Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Lan tỏa ánh sáng

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Lan tỏa ánh sáng
5 giờ trướcBài gốc
Với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, Đại lễ Vesak 2025 mang thông điệp đầy tính nhân văn và thời sự trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng đạo đức và bất bình đẳng xã hội. Chủ đề này cũng khẳng định vai trò tích cực của Phật giáo trong việc kiến tạo một thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Tham dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Lương Cường; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh, và đông đảo đại biểu quốc tế, chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, phật tử trong nước và quốc tế.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: “Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững”.
Chủ tịch nước Lương Cường và Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Chủ tịch nước cũng khẳng định Phật giáo là một phần không thể tách rời trong lịch sử, văn hóa và đời sống tinh thần của người Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển đất nước.
Đại lễ Vesak 2025 diễn ra trong không khí linh thiêng, hân hoan khi nhân dân cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và hướng tới 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025). Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trong thông điệp khai mạc rằng, Vesak là dịp để người con Phật khắp thế giới cùng chiêm bái, tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng để mọi người cùng thắp sáng thế gian bằng ánh sáng của trí tuệ và từ bi.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Đại lễ năm nay là việc cung thỉnh và chiêm bái Xá-lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – bảo vật quốc gia Ấn Độ và cũng là báu vật thiêng liêng của nhân loại, cùng trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức – biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì dân tộc và Phật pháp.
Các đại biểu dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Ngoài nghi lễ tâm linh trang trọng, hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc đã diễn ra như lễ thượng đại kỳ Phật giáo khổng lồ rộng 500m², triển lãm thư tịch cổ và bảo vật quốc gia, chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ… Những hoạt động này góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu và gắn kết văn hóa giữa các quốc gia thông qua ngôn ngữ nghệ thuật Phật giáo.
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó mật thiết với hành trình dựng nước và giữ nước. Trải qua hơn 2.000 năm, Phật giáo không chỉ là chốn tu hành mà còn là nơi lan tỏa các giá trị đạo đức, nhân văn sâu sắc trong cộng đồng. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp nối truyền thống đó bằng các hoạt động xã hội thiết thực như từ thiện, an sinh, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao sự đóng góp của Giáo hội trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế: “Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế”.
Thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều bất ổn: chiến tranh, xung đột, khủng hoảng khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo… Những thách thức ấy càng khiến thông điệp của Đại lễ Vesak thêm phần ý nghĩa và cấp thiết. Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và chung tay hành động vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 thu hút đông đảo đại biểu quốc tế đến dự.
Trong khuôn khổ Đại lễ, nhiều tham luận quý báu đã được gửi đến từ các giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước. Đây là những đóng góp học thuật có giá trị, góp phần làm sáng tỏ hơn lời dạy của Đức Phật trong thế giới đương đại đầy biến động.
Các đại diện của tổ chức quốc tế đánh giá Vesak là diễn đàn đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, góp phần thúc đẩy hòa bình và hiểu biết giữa các dân tộc. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý Phật giáo trong việc hướng con người đến lối sống hài hòa với thiên nhiên, trách nhiệm với xã hội và hành động vì mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Các đại biểu quốc tế đến dự Đại lễ Vesak 2025.
Lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao cách Việt Nam lan tỏa tinh thần đoàn kết và bao dung của Phật giáo đến bạn bè năm châu. Sự hiện diện đông đảo của tăng ni, học giả, đại biểu quốc tế tại Vesak 2025 là minh chứng cho vị thế ngày càng lớn của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu.
Việc TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo lớn nhất cả nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 là minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, mà còn là dịp để Việt Nam đóng góp tích cực vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững và thăng hoa tâm linh của nhân loại.
Nguyễn Cảnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2025-lan-toa-anh-sang-i767388/