Đại Lịch ngày mới

Đại Lịch ngày mới
6 giờ trướcBài gốc
Ông Bùi Hữu Lợi - Bí thư Đảng ủy xã Đai Lịch ( bên phải) trao đổi với kinh nghiệm với người dân trồng rừng ở thôn Thanh Tú
Phát huy kinh tế đồi rừng
Đại Lịch được biết với địa hình thung lũng tương đối bằng phẳng, có tổng diện tích tự nhiên trên 4.342 ha, chủ yếu là địa hình đồi núi, giao thông đi lại khá thuận lợi. Những năm trước đây do nhận thức của người dân còn hạn chế trong phát triển kinh tế; dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng hạn chế; năng suất lao động, sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của xã còn thấp.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trong xã, nên Đại Lịch đã phát huy được các tiềm năng, thế mạnh địa phương; trong đó, kinh tế đồi rừng được xác định là chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu như bao đời nay, người Dao ở xã Xuân Tầm (Văn Yên) nổi tiếng bởi trồng quế; người dân ở Đại Minh (Yên Bình) trồng bưởi hay ở xã Việt Thành (Trấn Yên) với nghề trồng dâu nuôi tằm...thì kinh tế đồi rừng ở xã Đại Lịch đang đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Ông Bùi Hữu Lợi - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: "Người dân xây được nhà cao tầng, mua ô tô, sắm sửa được nhiều vật dụng đắt tiền… tất cả nhờ trồng rừng đó nhà báo ạ”.
Nghe mà mừng quá. Nếu như trước đây, cuộc sống của 176 hộ trong thôn Khe Đồng phải lo toan từng bữa ăn hàng ngày thì giờ đã khác. Nhờ trồng rừng mà hơn 80% số hộ đã xây được nhà cao tầng kiên cố, đời sống không ngừng được đổi thay. Ông Hà Anh Đoàn - Bí thư Chi bộ Khe Đồng vui mừng: "Hiện, 90% số hộ đều trồng rừng, hộ ít nửa ha, hộ nhiều thì 20 - 30 ha”.
Dứt lời, Bí thư Đoàn dẫn chúng tôi đi thăm nhiều mô hình trồng rừng trong thôn, hàng năm đưa lại nguồn thu lớn, tiêu biểu như: Nguyễn Đăng Khoa, Hà văn Dũng, Hà Hữu Phước...
Ông Hà Văn Dũng - người có kinh nghiệm trồng rừng hàng chục năm nay, hiện đang sở hữu trên 11ha, chủ yếu là trồng kéo, bồ đề và quế, hàng năm thu nhập từ quế đạt trên 250 triệu đồng chia sẻ: "Trước đây, cán bộ phải đến từng nhà để vận động người dân trồng rừng, nhưng giờ đây người dân nhận thức được lợi ích của việc trồng rừng đem lại nên họ không để một tấc đất nào trống nữa. Nhờ trồng rừng, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trong thôn, trong xã đã làm được nhà to, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, các con được học hành đầy đủ”.
Không riêng gì ở thôn Khe Đồng, mà người dân ở thôn Thanh Tú cũng rất vui mừng, phấn khởi khi biến những khu đất trống đồi trọc ngày nào trở thành "rừng vàng” hôm nay.
Ông Hoàng Văn Đồng - thôn Thanh Tú hiện có trên 7 ha trồng rừng (3 ha trồng quế, 3 ha trồng bồ đề và 1 ha trồng cam) kết hợp với chăn nuôi và thả cá, hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng tự hào nói: "Nhiều năm nay, tỉnh, huyện, xã luôn có các chính sách hỗ trợ để người dân phát triển chăn nuôi và trồng rừng, gia đình tôi đã biết tận dụng diện tích đất rừng vốn có để tập trung sản xuất. Nhờ trồng rừng đã đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình”.
Đến nay, xã Đại Lịch có tổng diện tích trồng rừng trên 2.700 ha, bình quân mỗi năm khai thác trên 1.500m3 các loại, mang lại nguồn thu trên 17 tỷ đồng.
Đại Lịch hiện có 1.192 hộ, 4.785 nhân khẩu; trong đó, 57% dân tộc Tày, số còn còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Tuy còn gặp nhiều khó khăn của một xã thuần nông, song những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt của chính quyền, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân nên các tiềm năng, thế mạnh của Đại Lịch được đánh thức.
Hàng năm, cùng với duy trì trên 217 ha lúa, năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng đạt trên 2.600 tấn/năm, nông dân ở Đại Lịch xác định trồng rừng thế mạnh, mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Toàn xã có 1.192 hộ thì hầu hết các hộ đều trồng rừng với diện tích trên 2.700 ha, hàng năm người dân trồng rừng khai thác thu hoạch đạt trên 1.500m3, đưa lại nguồn thu trên 17 tỷ đồng từ gỗ rừng trồng.
Ông Bùi Hữu Lợi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Để nông dân gắn bó lâu dài với nghề trồng, xã đã khâu nối với các doanh nghiệp, công ty để bao tiêu sản phẩm. Hiện trên địa bàn xã đã thành lập được 1 HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Hưng và 15 cơ sở chế biến lâm sản, đáp ứng nhu cầu xuất bán của người dân”.
Chú trọng phát triển đàn gia súc chính
Những năm qua, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng kinh tế rừng và sản xuất lương thực, xã Đại Lịch còn tập trung phát triển đàn gia súc chính theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hà - thôn Bằng La 1 chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống và chuồng trại cũng tạm bợ. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ được sự hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, huyện, ông Hà đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tập trung, đem lại lợi nhuận cao.
"Hiện nay, gia đình tôi có 50 con trâu thương phẩm. So với chăn nuôi nhỏ lẻ như ngày xưa thì chăn nuôi tập trung vừa giảm nhân công, thuận lợi vệ sinh chuồng trại và lại đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục xây thêm chuồng để tăng đàn góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình" - ông Hà cho biết.
Còn với gia đình Nguyễn Văn Quân, thôn Khe Đồng, tận dụng diện tích đất đồi rừng của gia đình, anh tập trung đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu quy mô 12 con trở lên. Theo anh Quân, khi bắt đầu chăn nuôi theo quy mô lớn, anh cũng gặp không ít khó khăn nhưng khi được tập huấn về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh trên đàn vật nuôi, đến nay, anh đã nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi.
Nhờ chăn nuôi trâu kết hợp với trồng rừng mà cuộc sống của gia đình anh Quân không ngừng được nâng cao. Ngoài ông Hà, anh Quân, trên địa bàn xã Đại Lịch còn có gần 20 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 12 con trở lên; hàng chục mô hình chăn lợn thương phẩm có quy mô lớn. Tiểu biểu như mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn của chị Đào Thị Lan, thôn Bằng La 1; anh Hoàng Văn Đồng, Hoàng Văn Tùng Hoàng Đình Hạnh ở thôn thanh Tú.....
Nhờ tập trung phát triển chăn nuôi, nhiều hộ trên địa bàn xã Đại Lịch không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, xã Đai Lịch đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó, thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi trang trại. Nhờ vậy, đến nay, Đại Lịch có tổng đàn gia súc chính trên 16.150 con; trong đó đàn trâu, bò có 1.150 con, đàn lợn trên 15.000 con.
Ông Bùi Hữu Lợi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng, cùng với cấy lúa, trồng rừng, xã chỉ đạo người dân chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng năm, xã chủ động rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi để người dân đăng ký; tập trung tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ chăn nuôi nên tiêm phòng cho vật nuôi”.
Cũng theo lãnh đạo xã, hiện nay, Đại Lịch đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại bền vững; tập trung phát triển chăn nuôi bán công nghiệp, nuôi trâu, bò thương phẩm; tái phát triển đàn lợn, gia cầm song song với công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có tổng đàn gia súc chính trên 16.000 con; đàn gia cầm trên 40.000 con.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, Đại Lịch đang đi đúng hướng từ các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đến huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến nay, xã Đại Lịch thành lập được, 15 cơ sở chế biến lâm sản, 15 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy…
Từ một xã nghèo, mấy năm gần đây, Đại Lịch đang khoác lên mình một diện mạo mới với trên 90% đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/năm, xã về đích nông thôn mới nâng cao, đặc biệt Đại Lịch được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023. Đó là tiền đề vững chắc để quê hương anh hùng Đại Lịch tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Văn Tuấn
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/12/349200/dai-lich-ngay-moi.aspx