Dựa theo Chiu Kuo-hao thuộc Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên và Lâm nghiệp, ước tính có khoảng 200.000 cá thể loài bò sát này sinh sống tại các khu vực phía nam và trung tâm của hòn đảo, nơi phụ thuộc nhiều vào hoạt động nông nghiệp.
Năm ngoái, các đội săn bắt được tuyển dụng đặc biệt đã tiêu hủy khoảng 70.000 con kỳ nhông, với mức tiền thưởng lên đến 15 đô la mỗi con. Chính quyền địa phương kêu gọi người dân tham gia xác định tổ kỳ nhông và khuyến nghị sử dụng lao câu cá để xử lý chúng một cách nhân đạo nhất.
Ảnh: GI
Lee Chi-ya từ Sở Nông nghiệp huyện Bình Đông chia sẻ: “Nhiều người mua kỳ nhông xanh làm thú cưng vì nghĩ chúng nhỏ và dễ thương, mà không nhận ra chúng có thể phát triển lớn và sống rất lâu. Khi không nuôi nổi, họ thả chúng ra tự nhiên, nơi chúng thích nghi hoàn hảo với môi trường Đài Loan. Điều này khiến chúng sinh sản nhanh chóng, buộc chúng tôi phải kiểm soát số lượng để khôi phục cân bằng tự nhiên.”
Kỳ nhông xanh, vốn không có kẻ săn mồi tự nhiên ở Đài Loan, đã di chuyển đến những khu vực khó tiếp cận như rừng và vùng rìa thị trấn. Con đực có thể dài tới 2 mét, nặng 5 kg và sống đến 20 năm, trong khi con cái có thể đẻ đến 80 trứng mỗi lần.
Có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Caribe, loài bò sát này không hung dữ dù sở hữu đuôi mạnh mẽ, hàm sắc nhọn và răng như dao cạo. Chúng chủ yếu ăn trái cây, lá cây và thực vật, đôi khi bổ sung động vật nhỏ.
Mặc dù được yêu thích làm thú cưng, chúng lại khó giữ sức khỏe khi nuôi nhốt, và nhiều cá thể chết trong vòng một năm.
Hsu Wei-chieh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo tồn Bò sát Đài Loan, cho biết tổ chức của ông đang hướng dẫn nông dân cách bảo vệ an toàn, tài sản và đối xử nhân đạo với kỳ nhông. “Chúng tôi ở đây để đảm bảo dự án được thực hiện hiệu quả,” Hsu nói.
Tsai Po-wen, một nông dân trồng rau ở Bình Đông, nhận xét rằng chương trình đào tạo đã giúp ích rất nhiều. “Trước đây chúng tôi cố gắng đuổi chúng nhưng không hiệu quả. Giờ đây, chúng tôi học được những phương pháp an toàn và hiệu quả hơn”, ông chia sẻ.
Hà Trang (theo TBA, CNN)