Là một nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam được thành lập vào năm 2021. Đây là nhà máy lớn nhất KCN Đồng Văn III, chuyên thiết kế, sản xuất thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm: máy chủ, máy tính xách tay, máy tính bảng và các sản phẩm khác. Cùng với đó, sản xuất OCM/ODM sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu như: Dell, Apple, Acer, HP, Lenovo, Sony… Công ty được đầu tư với 100% vốn từ Wistron Corp- doanh nghiệp điện tử Đài Loan (Trung Quốc). Chỉ sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Wistron Infocomm Việt Nam là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Nam và doanh nghiệp thứ ba do Cục Hải quan Hà Nam Ninh quản lý, đã được cấp Giấy chứng nhận "Doanh nghiệp ưu tiên" theo Quyết định số 1100/QĐ-TCHQ, ngày 20/6/2022 của Tổng cục Hải quan, có thời hạn áp dụng chế độ ưu tiên là 3 năm, kể từ ngày ký quyết định. Đây có thể coi là "tấm vé vàng" giúp Wistron Infocomm Việt Nam được ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Sau khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, Công ty Wistron Infocomm Việt Nam đã được cơ quan Hải quan trên toàn quốc áp dụng các chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như: được ưu tiên thứ tự khi làm thủ tục hải quan, miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá tuân thủ pháp luật; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế, xuất nhập khẩu tại chỗ… cùng nhiều chế độ ưu tiên khác theo quy định của pháp luật. Sau thời hạn 3 năm, nếu công ty đáp ứng các điều kiện quy định thì tiếp tục được gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên...
Hiện nay, cùng với dự án AVC, dự án của Công ty TNHH Wistron, còn được đánh giá là một trong những dự án nằm trong Hệ sinh thái N-Vidia và SpaceX, với doanh thu khoảng 200 triệu USD/tháng (khoảng 2,4 tỷ USD/năm). Được biết, tới đây, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất tại KCN Đồng Văn III. Phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư Đài Loan vào cuối tháng 11 vừa qua, Ông Steven Kuo, Đại điện Công ty TNHH Wistron Infocomm Việt Nam tại Hà Nam đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư của Hà Nam; đồng thời cho biết: Thời gian tới, Wistron Đài Loan dự kiến sẽ đầu tư 24,5 triệu USD tại Hà Nam. Dự án mang tên Victory II có diện tích 4,9 ha tại KCN Đồng Văn III. Công ty TNHH Công nghệ Wistron Việt Nam, công ty con của Wistron, sẽ tiến hành đầu tư với công suất thiết kế hằng năm là 3 triệu màn hình LCD, 198.000 hạng mục tường lửa và 35.000 webcam... Wistron ở Hà Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất linh kiện mới cho công ty SpaceX.
Dây chuyền tự động hóa của Wistron Hà Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên).
Được biết, hiện nay, ngoài một số nhà đầu tư lớn đến từ Đài Loan như: Công ty TNHH Wistron; Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC Việt Nam (KCN Đồng Văn III), còn có nhà đầu tư đến từ Tập đoàn Qisda Đài Loan với dự án đầu tư tại KCN Đồng Văn IV có tổng vốn đầu tư 263 triệu USD, chuyên sản xuất màn hình máy tính. Đây là một tập đoàn công nghệ toàn cầu, hoạt động trong các ngành công nghệ thông tin, y tế, giải pháp thông minh và truyền thông mạng; được Thomson Reuters bình chọn vào danh sách "100 hãng công nghệ hàng đầu thế giới", "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" và "10 doanh nghiệp bền vững hàng đầu Đài Loan"...
Theo thống kê từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, tính đến 31/10/2024, tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 362 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 6,27 tỷ USD. Trong số 89 dự án liên quan đến Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD, bao gồm: Trung Quốc Đại Lục (16 dự án), Hồng Kông (19 dự án); riêng Đài Loan có tới 54 dự án, với tổng vốn 2,19 tỷ USD. Với những con số này, Đài Loan hiện đang đứng đầu các quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất tại Hà Nam; đứng trên cả Hàn Quốc (1,67 tỷ USD); Nhật Bản (1,33 tỷ USD). Năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã đóng góp ngân sách nhà nước 184,2 tỷ đồng; trong đó, riêng Đài Loan là 73 tỷ đồng với các doanh nghiệp tiêu biểu là: Công ty TNHH Nhôm Asean (27 tỷ đồng); Công ty TNHH Neweb Việt Nam (27 tỷ đồng); Công ty TNHH Yura Cable Việt Nam (19 tỷ đồng)... Thực tế này đã tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Hà Nam.
Theo đó, cùng với những lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các KCN với các vùng kinh tế trọng điểm; sự đồng hành của chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư chính là "điểm cộng" về thu hút đầu tư tại Hà Nam thời gian qua. Theo ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, với quan điểm luôn lắng nghe, đồng hành, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, hằng năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp đầu tư tại các KCN trên địa bàn nói chung, doanh nghiệp đến từ Đài Loan nói riêng. Nhìn vào "bức tranh" đầu tư FDI năm 2024, có thể thấy, Đài Loan hiện đang là nhà đầu tư lớn, đứng đầu về số lượng dự án cũng như tổng vốn đầu tư trên địa bàn.
Với mục tiêu xây dựng Hà Nam sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của Việt Nam, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh tích cực phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông kết nối bên ngoài KCN; đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư tại Hà Nam được hưởng dịch vụ tốt nhất.
Minh Thu