Đại Nội lung linh về đêm trong một chương trình nghệ thuật
Khi Hoàng cung lên đèn
Mỗi dịp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức các chương trình nghệ thuật vào ban đêm, Đại Nội Huế trở nên quá tải với hàng chục nghìn người đến thưởng thức. Trong các chương trình nghệ thuật “Âm sắc Huế”, sự kiện trình chiếu ánh sáng 3D “Huế by light”, Festival Huế…, không gian cổ kính trở thành sân khấu huyền ảo của ánh sáng, nghệ thuật và ký ức. Ngọ Môn và sân điện Thái Hòa trở thành tâm điểm thu hút, nơi khán giả hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo, với các màn trình diễn ánh sáng kết hợp âm nhạc cung đình.
Với các chương trình nghệ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng rất công phu. Người dân và du khách được thưởng thức những chương trình nghệ thuật độc đáo, hòa quyện giữa âm nhạc truyền thống cung đình với nghệ thuật đương đại, kết hợp tái hiện các nghi tiết của Triều Nguyễn. Những chương trình này cho thấy tiềm năng khai thác không gian Hoàng cung về đêm một cách sáng tạo, góp phần quảng bá và tăng sức hấp dẫn cho Đại Nội.
Trong hàng ngàn khán giả, có rất nhiều du khách từ khắp mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài tỏ ra thích thú, hòa vào không khí sôi động của chương trình. Ông Hoàng Thanh Long, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi từng tham quan Đại Nội ban ngày nhưng lần đầu tiên đến đây vào ban đêm mới thấy không gian Hoàng cung khác biệt hoàn toàn. Những thành quách thâm nghiêm trở nên huyền ảo, tráng lệ!”.
Với ông Andrew Philips, một du khách người Anh đang lưu trú tại Huế, trải nghiệm đêm tại Hoàng cung là một trong những lý do khiến ông quyết định nán lại Cố đô. Ông nói: “Sự kết hợp giữa di sản và nghệ thuật hiện đại thực sự cuốn hút. Tôi nghĩ Huế nên tổ chức những chương trình như vậy thường xuyên hơn. Nó khiến văn hóa Huế trở nên sống động và dễ tiếp cận hơn với du khách nước ngoài”.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Dù có lợi thế về tiềm năng nhưng câu chuyện mở cửa Đại Nội về đêm vẫn đang gặp nhiều rào cản. Không phải vì thiếu ý tưởng hay thiếu quyết tâm, mà bởi “rất nhiều vấn đề cần chuẩn bị và đồng bộ”, như chia sẻ của ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Huế đang thiếu các sản phẩm du lịch, dịch vụ trải nghiệm đêm đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách và khuyến khích họ chi tiêu. Để có một show diễn hay dịch vụ đủ hấp dẫn, cần đầu tư cả về cơ sở vật chất, ánh sáng, thiết bị hậu cần kỹ thuật, đặc biệt là nhân lực. Trong khi đó, khối lượng công việc ban ngày của cán bộ Trung tâm đã rất lớn.
“Đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở. Trung tâm có nhà hát, đội ngũ nghệ sĩ và có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện nhưng để chương trình “sống” được bền vững, phải mang đến cho du khách trải nghiệm thật độc đáo, hấp dẫn trên cơ sở khai thác những giá trị lịch sử. Trước đây, các sự kiện Trung tâm tổ chức thường miễn phí nên khán giả đông. Nhưng để duy trì thường xuyên, trở thành một sản phẩm kinh tế cần rất nhiều điều kiện đi cùng”, ông Trung nói.
Không chỉ dừng lại ở bài toán tổ chức, việc khai thác Đại Nội vào ban đêm còn liên quan đến yếu tố pháp lý và cơ chế quản lý tài sản công. Đại Nội là di sản văn hóa thế giới, hoạt động khai thác, phát huy trong không gian di sản văn hóa thế giới chịu tác động của nhiều quy định, cơ chế. Mọi hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc “vừa bảo tồn, vừa phát huy”, trong đó ranh giới giữa hai mục tiêu này khá mong manh. Đây cũng là vấn đề vướng mắc được đề cập nhiều trong các diễn đàn về di sản trong toàn quốc.
Ông Trung lý giải: “Các show diễn ở nhiều điểm đến khác thường do doanh nghiệp thực hiện. Họ có hệ thống bán vé, đưa vào tour, tuyến, không gian trình diễn không bị gò bó bởi quy định về di sản, còn Huế thì khác. Trung tâm cũng mong muốn cung cấp các dịch vụ trải nghiệm độc đáo cho du khách. Trước đây, Trung tâm từng tổ chức các chương trình Đêm Hoàng cung nhưng không bền vững vì không có nguồn khách ổn định, cách làm vẫn mang tính hành chính”.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác có năng lực tổ chức sản phẩm du lịch đêm mang tính xã hội hóa. Mục tiêu là xây dựng các show diễn, hoạt động trình diễn nghệ thuật có thể duy trì thường xuyên, lâu dài. Ông Trung cho hay: “Về góc độ kinh tế di sản, sản phẩm phải hay, hấp dẫn, đưa vào tour, tuyến và bán được vé thường xuyên mới sống được. Để tổ chức các show diễn bền vững, phải có đơn vị đối tác đủ năng lực, kinh nghiệm, có hệ thống khách hàng, hệ thống bán vé, truyền thông... Đặc biệt, đối tác ấy phải có nguồn khách tiềm năng. Chúng tôi đang cố gắng khơi thông những điểm nghẽn cũng như phát huy được các nguồn lực”.
Một khi câu chuyện mở cửa Đại Nội về đêm được giải quyết thỏa đáng, Huế sẽ có thêm một sản phẩm du lịch đêm mang dấu ấn khác biệt, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách, đúng như tinh thần phát triển kinh tế đêm mà ngành du lịch đang hướng đến.
Bài, ảnh: MINH HIỀN