Đài Phát thanh Sài Gòn - dấu ấn của lịch sử 50 năm

Đài Phát thanh Sài Gòn - dấu ấn của lịch sử 50 năm
7 giờ trướcBài gốc
"Công tác đặc biệt"
Ngày 1/2/1962, lời xướng “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” được phát đi từ căn cứ Mã Đà, chiến khu D, mở đầu trang sử vẻ vang của Đài, thúc giục mạnh mẽ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau chiến thắng 30/4/1975, ngày 1/5/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định được phát sóng, khẳng định tiếng nói của chính quyền cách mạng, của độc lập và thống nhất đất nước tiếp tục vang lên khắp năm châu.
Lễ kỷ niệm 25 năm buổi phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM sau ngày giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2000) (ảnh tư liệu)
Ông Phan Thanh Dũng, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Đài Phát thanh Giải phóng nhớ lại, cách đây 50 năm, chuẩn bị về tiếp quản Sài Gòn, ông được chọn đi đầu tiên trong cơ quan của Đài Phát thanh Giải phóng. Lúc đó, 6 người của Đài Giải phóng đang được cử học trung cấp kỹ thuật thì có lệnh gọi về làm “công tác đặc biệt”. Ai cũng đoán già đoán non, bàn tán xôn xao, nhưng ai cũng biết thời cơ đã chín muồi, biết là sẽ được về Sài Gòn nên rất hớn hở.
Ông Phan Thanh Dũng (bên phải) cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Giải Phóng về thăm nhà bia căn cứ của Đài trong kháng chiến
Lúc đó bấy giờ ông Dũng làm kỹ thuật nên được phân công đi trên 1 xe có máy phát 1kW, phòng hờ cơ sở không hoạt động được thì sử dụng. Ngày 28/4/1975, những người được chọn tập trung ở Bàu Cỏ, núi Bà Đen, nghỉ lại ở đó 1 đêm, nhận thêm vũ khí với tinh thần "một đi không trở lại".
Ông Dũng nhớ không khí những ngày ấy rất náo nức. Sáng 29/4, hành quân ra Củ Chi, khi đó ở Sài Gòn vẫn còn đánh nhau, đến khi tình hình ổn định mới tiếp tục di chuyển. Chặng đường dài qua nhiều chốt chặn, đến ngã tư Bảy Hiền thì bị ách tắc, xe của quân ngụy bỏ lại ngổn ngang.
Cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Giải phóng về thăm căn cứ cũ nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam
"Cả đoàn của Đài Phát thanh Giải Phóng đến số 3 Nguyễn Đình Chiểu lúc hơn 20h. Khi ra tiếp quản thì đổi tên thành Đài Sài Gòn Giải Phóng. Hôm ra mắt Ủy ban Quân quản, Đài ra đó để tường thuật. Hồi xưa trước dinh Độc Lập, người ta bố trí loa nghe nhạc hào hùng lắm, trong lòng cảm thấy tự hào. Không riêng những người trong chiến khu ra, mà dân Sài Gòn và những người có cảm tình với cách mạng đều cùng nhau làm việc cho tốt", ông Dũng nói.
Lễ kỷ niệm 25 năm buổi phát sóng đầu tiên của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM sau ngày giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2000) (Ảnh tư liệu)
Bà Đoàn Thanh Thủy, phụ trách kỹ thuật của VOH từ sau ngày giải phóng cho đến khi nghỉ hưu năm 2021 chia sẻ: bà tham gia hoạt động ở Đài Giải Phóng từ lúc mới 15 tuổi. Ngày 26/4/1975, các đơn vị theo chiến dịch đi về Sài Gòn. Khi đó nhạc sĩ Xuân Hồng là Trưởng Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam tổ chức buổi diễn để chuẩn bị cho ngày chiến thắng, bà cùng biên tập viên Hồ Sĩ, mỗi người đi một xe đạp. Bà Thủy chở máy móc băng từ để thu âm hội diễn.
"Trưa 30/4, trong lúc đang hội diễn thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Thế là nhạc sĩ Xuân Hồng nói: Thôi ngưng không diễn nữa, mình về Sài Gòn diễn luôn. Lúc đó sẵn xe của chiến dịch, mình thảy xe đạp lên đi về. Những ngày đầu rất là gian khổ, mình phụ trách làm các chương trình, làm cả đêm hôm", bà Thủy nhớ lại.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm cùng phóng viên VOH nhân chuyến làm việc tại TP.HCM năm 1986 (ảnh tư liệu)
50 năm tự hào tiếp nối
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của tình hình cách mạng, năm 1976, lãnh đạo TP.HCM ban hành các quyết định về việc thành lập Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM - VOH và tiếp nhận Đài do Ban Tuyên huấn Trung ương chuyển giao. Ngày 1/9/1976, Đài chính thức thành lập.
Quá trình hoạt động, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM không ngừng cải tiến và phát triển lớn mạnh, tăng cường khả năng phủ sóng, mở rộng các nội dung, đề tài nhằm phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa Thành phố và cả nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phóng viên VOH – nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu)
Gắn bó với làn sóng của Đài VOH từ những ngày đầu, bà Đoàn Thanh Thủy chia sẻ niềm vui khi thế hệ trẻ của Đài vẫn đang tiếp nối truyền thống oai hùng của Đài Phát thanh Giải phóng trong kháng chiến, mang đến cho thính giả niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm vui về những đổi mới của đất nước và TP.HCM.
"Sau này mình phụ trách khối kỹ thuật và thấy là tinh thần của Đài Giải phóng đối với lực lượng trẻ sau này mang một dấu ấn rất lớn. Bởi vì Đài Giải phóng là một đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, 50 năm rất là tự hào. Niềm tự hào của những người con, những người lính của Đài Giải phóng đối với sự nghiệp phát thanh sau này của VOH rất vững bền. Chỉ mong thế hệ trẻ sau này tiếp bước", bà Thủy bày tỏ.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại nhà bia Đài Phát thanh Giải phóng
Với ý thức trách nhiệm phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, tập thể cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM không ngừng nỗ lực tìm tòi, đổi mới các chương trình phát thanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thính giả.
Với niềm đam mê và tình yêu dành cho phát thanh, cho radio, phóng viên trẻ Hà Thị Diễm cho biết mình và các đồng nghiệp luôn cố gắng trau dồi mỗi ngày để trưởng thành hơn trong lĩnh vực báo nói.
"Tuổi trẻ VOH lồng ghép rất nhiều về chuyên môn trong hoạt động Đoàn. Cụ thể là chương trình “Thông tin duyên hải” tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông trên biển, chủ quyền biển đảo Việt Nam, hoặc “Thanh niên ngày mới” lan tỏa những câu chuyện đẹp của thanh niên. Ngoài ra còn có chuyên mục “Hoa giữa đời thường”, tập hợp những câu chuyện của đoàn viên thanh niên, viên chức VOH kể về học tập Bác mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, làm mã QR code, khi truy cập vào nghe được tất cả những chuyện kể về học tập Bác", chị Diễm cho biết.
Đoàn Thanh niên VOH tại buổi giao lưu "50 năm tự hào tiếp bước" tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - nơi đặt nhà bia Đài Phát thanh Giải phóng
Trong suốt 50 năm qua, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM luôn thể hiện là một đơn vị truyền thông chủ lực, đặc biệt là truyền thông chính sách của TP.HCM. Hầu như năm nào Đài cũng có được những giải thưởng lớn của báo chí Thành phố, giải báo chí quốc gia, trung bình từ 30- 40 giải thưởng mỗi năm. Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), truyền thông chủ lực xuất phát từ một đặc thù rất lớn của Đài, đó là làn sóng phát thanh dễ dàng tiếp cận với mọi lớp nhân dân.
Với sự năng động, sáng tạo, VOH đã xây dựng được những "thương hiệu" lớn gắn với tên tuổi của mình trong quá trình phát triển, như chương trình “Làn sóng xanh”, góp phần tạo nên cú hích cho thị trường âm nhạc trong nước, sau đó là “Tiếng hát hay hàng tuần”, thi “Giọng ca hay hàng tuần”, và gần đây là giải “Bông lúa vàng” thi hát cải lương… Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa truyền thống của Đài cũng đã được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, hay chương trình “Thành tựu y khoa” tôn vinh y bác sĩ nhân ngày 27/2…
Theo ông Bình, định hướng của Đài sắp tới là phát thanh trên nền tảng đa phương tiện để mọi người dễ dàng tiếp cận, có sự tương tác lẫn nhau. Trong xu thế chung là tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả, Đài chú trọng đào tạo lại cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên để thích ứng với yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc VOH (thứ 4 từ phải sang) và đoàn về nguồn tại căn cứ Đài Giải phóng nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam
Ông Bình khẳng định, tiếp nối truyền thống oai hùng của Đài Phát thanh Giải phóng trong kháng chiến, ngày nay Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là tiếng nói quan trọng, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố.
"Thế hệ trước đây việc đối diện hàng ngày là sự tồn tại của một Đài. Nhiều cô, chú đã phải hy sinh kể cả tính mạng để bảo vệ làn sóng. Ngày nay để gìn giữ sự đúng định hướng của một đài phát thanh đòi hỏi sự tiếp nối của thế hệ sau, bằng sự hy sinh. Hiện nay chúng ta hoạt động trong một môi trường cạnh tranh rất gay gắt, phức tạp, nhiều áp lực. Nhưng bài học ý nghĩa là sự kiên trì, gìn giữ làn sóng phát thanh tồn tại trong một trong bối cảnh mới, yêu cầu mới và phải thích ứng với những yêu cầu đó", ông Bình nói.
Chặng đường phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM sau 50 năm giải phóng là những bước đi vững chãi, kế thừa xứng đáng thế hệ làm báo phát thanh đi trước. Phấn khởi, tự hào về truyền thống của lớp cha anh, những người làm báo nói của VOH luôn phấn đấu mỗi ngày, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, để làn sóng phát thanh tiếp tục vang xa, lan rộng và luôn nhận được sự yêu mến trong lòng thính giả.
Ngọc Xuân/ VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/dai-phat-thanh-sai-gon-dau-an-cua-lich-su-50-nam-post1194456.vov