Người dân xã Đại Phúc chú trọng đến phát triển diện tích trồng chè hữu cơ.
Hộ chị Lương Thị Thảo, ở xóm Cây Thị, xã Đại Phúc, đang duy trì khoảng 1.000m2 trồng cây chè. Những năm qua, gia đình chị thường xuyên nuôi từ 10-15 con trâu. Tận dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho chè, nên vườn chè của gia đình quanh năm phát triển tốt, năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với bón phân hóa học.
Cùng với việc duy trì diện tích chè hiện có ở các hộ dân, xã Đại Phúc đã hình thành các hợp tác xã (HTX) chế biến, kinh doanh chè. Đa số HTX đều liên kết với các hộ trồng chè để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, đảm bảo chất lượng chè tươi khi chế biến.
Tiêu biểu là HTX chè Kim Thoa, được thành lập và đi vào hoạt động năm 2022 với số vốn điều lệ 600 triệu đồng, gồm 7 thành viên. HTX đang duy trì vùng nguyên liệu chè 5ha trồng theo hướng VietGAP. Sản lượng chè búp tươi hằng năm thu được trên 88 tấn, 75% trong số này được HTX tiêu thụ, số còn lại được các xã viên bán ra thị trường. Sản phẩm chè của HTX chè Kim Thoa đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Trung bình mỗi năm, HTX Kim Thoa xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn chè khô, doanh thu đạt trên dưới 1 tỷ đồng.
Bà Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Kim Thoa, cho biết: Ngay từ khi thành lập, HTX đã chú trọng đến sản xuất và chế biến sản phẩm chè sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Các hộ thành viên trồng và cung cấp nguyên liệu chế biến cho HTX được quản lý từ phân bón đến quy trình chăm sóc, thu hái.
Khâu chế biến, quảng bá sản phẩm được Hợp tác xã chè Kim Thoa chú trọng.
Các hộ liên kết sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ như phân chuồng ủ mục, chế phẩm vi sinh và phân bón hữu cơ vi sinh. Các hộ sử dụng các chế phẩm sinh học để phun trừ sâu bệnh, phát dọn làm cỏ thủ công. Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chất lượng, độ sạch và an toàn của sản phẩm nên đây là vấn đề luôn được HTX đặt lên hàng đầu.
Xã Đại Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng trên 31.500 tấn, giá trị sản phẩm trên mỗi ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng/năm; tổng giá trị thu được từ cây chè hằng năm đạt khoảng 1.268 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh, xây dựng các sản phẩm chè đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Khâu chế biến chè cũng sẽ được chú trọng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Phúc cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã Đại Phúc tập trung xây dựng thương hiệu và chú trọng đến khâu an toàn trong sản xuất và chế biến chè. Các sản phẩm từ cây chè sẽ được chế biến sâu, ứng dụng khoa học và chuyển đổi số nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích.
Xã phấn đấu đến năm 2030, giá trị cây chè đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, doanh thu đạt 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Xã cũng chú trọng đến khâu quảng bá sản phẩm, đưa cây chè trở thành hàng hóa du lịch. Cùng với quảng bá sản phẩm chè, địa phương sẽ chú trọng quảng bá văn hóa trà đối với khách du lịch.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với những giải pháp phù hợp, xã Đại Phúc đang hướng đến mục tiêu trở thành xã trọng điểm về phát triển kinh tế, du lịch. Trong đó, việc tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu cây chè được xem là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trung Đoàn