Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh tư liệu: TTXVN
Trước thềm chuyến thăm, phóng viên TTXVN tại Moskva đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi về ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ song phương và triển vọng trong tương lai.
Xin Đại sứ cho biết về bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn cấp cao Viêt Nam tới Nga?
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, từ ngày 8-11/5 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ có chuyến thăm chính thức tới LB Nga và tham dự hoạt động kỷ niệm 80 năm chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam, diễn ra đúng vào thời điểm hai nước vừa kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như đúng dịp kỷ niệm 70 năm chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô, đồng thời là dịp Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhân dân Liên bang Nga kỷ niệm 80 năm Chiến thắng. Có thể nói chuyến thăm diễn ra vào thời điểm lịch sử, mang tính biểu tượng cao và có nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có ý nghĩa như thế nào để thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm lần này là kế thừa lại lịch sử, khẳng định hiện tại và hướng tới một tương lai mới. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử thì tuy Việt Nam và Liên bang Nga, trước là Liên bang Xô viết, thiết lập quan hệ ngoại giao mới chỉ có 75 năm, nhưng từ hơn 100 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến nước Nga lần đầu tiên, và chính tại nước Nga, Người tìm ra con đường cứu nước.
Hai nước chia sẻ rất nhiều giá trị gắn bó. Dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga, cũng như dưới ảnh hưởng từ thắng lợi của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng tháng Tám, giành được độc lập. Sau đó, Việt Nam tiến hành và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và xâm lược năm 1954, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Lịch sử gắn kết hai nước. Năm 1941, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, lúc đó Việt Nam có 7 thanh niên đã tham gia cùng Hồng quân Liên Xô và nhân dân Liên Xô bảo vệ Moskva, 3 người trong số đó đã dũng cảm hy sinh. Tháng 10/1924, Liên bang Nga đã khánh thành cụm tượng đài tưởng niệm 3 chiến sĩ hy sinh lúc đó, ghi nhận đóng góp của nhân dân Việt Nam đối với cả cuộc đấu tranh chung của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở chiều ngược lại, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng chục nghìn cố vấn quân sự Liên Xô đã sang giúp đỡ Việt Nam, nhiều người trong số đó đã hy sinh.
Sau chiến tranh, hàng chục nghìn chuyên gia, cố vấn của Liên Xô tiếp tục sang giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình, tiêu biểu như nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy điện Uông Bí, bệnh viện Bạch Mai, trường Đại học Bách Khoa và nhiều công trình khác. Chúng ta có rất nhiều công trình ấn tượng ví dụ như cầu Thăng Long và điều đáng ghi nhận là liên doanh VietsovPetro đã được thành lập nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Lịch sử hợp tác giữa hai nước là hết sức gắn bó, sự giúp đỡ thực sự chân thành, chí tình, chí nghĩa. Đó là lí do vì sao có thể nói chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm khẳng định chúng ta kế thừa lịch sử, nhìn nhận và khẳng định thành tựu đạt được gần đây trong quan hệ hai nước.
Có thể thấy rằng sau khi Liên Xô tan rã có một thời kỳ quan hệ hai nước bị chững lại, nhưng trong hơn 20 năm qua, quan hệ hai nước từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, hai nước đã kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị mới, định hình quan hệ hai nước trong thời kỳ mới, đây là văn kiện hết sức quan trọng. Dưới nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước này, năm 2001, Việt Nam và Nga nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược và năm 2012 lên quan hệ đối tác đối tác chiến lược toàn diện. Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực. Dấu ấn rõ nét nhất chính là các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên.
Tháng 6/2024, Tổng thống Putin thăm chính thức Việt Nam, tháng 1/2025, Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nga tháng 10/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm vào tháng 9/2024. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đã có cuộc điện đàm rất quan trọng với Tổng thống Nga. Có thể nói các cuộc điện đàm, tiếp xúc cấp cao như vậy đã định hình quan hệ phát triển mạnh mẽ của hai nước về kinh tế, chính trị, thương mại v.v.
Điểm thứ ba cần nhấn mạnh là hai nước cùng hướng tới tương lai. Tôi tin tưởng rằng trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ trao đổi những định hướng lớn cho giai đoạn phát triển sắp tới, không chỉ 5 năm, 10 năm mà có thể dài hơn nữa.
Hai nước đang đứng trước những vận hội như thế nào để quan hệ song phuong càng thêm hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, thưa Đại sứ?
Có thể nói Việt Nam sẵn sàng và phía Nga cũng vậy để khẳng định quan hệ đối tác phát triển toàn diện, nỗ lực xây dựng quan hệ chính trị tin cậy cao hơn, hợp tác kinh tế-thương mại thực chất hơn, hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân chặt chẽ hơn. Đấy là những điều chúng ta mong muốn.
Về triển vọng sau chuyến thăm, trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc rằng đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vững mạnh, thịnh vượng và vươn mình của dân tộc. Thực sự đây là thời khắc lịch sử đối với nhân dân Việt Nam. Hiện nay toàn Đảng, toàn dân đã tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, nỗ lực phấn đấu đạt được hai mục tiêu 100 năm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao. Đây thực sự là mục tiêu hết sức to lớn đòi hỏi nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, dựa vào nội lực là chính, ngoài ra cũng cần đến sự giúp đỡ của các nước anh em trên thế giới, trong đó có Liên bang Nga - một trong những đối tác tin cậy cao nhất của Việt Nam.
Về các lĩnh vực hợp tác mới, tôi tin tưởng rằng bên cạnh những lĩnh vực hợp tác về an ninh, quốc phòng và dầu khí là trụ cột chính, hai nước sẽ mở ra những hợp tác mới, tìm tòi những động lực mới, trước hết là về khoa học công nghệ. Có thể nói Liên bang Nga hiện nay cũng như trước đây là cường quốc công nghệ. Nghiên cứu cơ bản của Nga rất tốt và gần đây đã chuyển mạnh từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. Có thể nói trong thời gian vừa qua, Liên bang Nga đã vượt qua rất nhiều khó khăn và đạt những thành tựu quan trọng về cả công nghiệp hạt nhân, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học xanh. Việt Nam rất cần tranh thủ kinh nghiệm, kỹ thuật, nguồn vốn của Liên bang Nga để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, hợp tác hạt nhân cũng là một ưu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Tôi tin rằng hai nước không chỉ đơn giản hợp tác trong xây dựng một hoặc hai nhà máy điện hạt nhân mà Nga có thể giúp Việt Nam phát triển cả một ngành công nghệ hạt nhân. Đây có thể nói là một ngành công nghệ then chốt giúp Việt Nam vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực khác để hợp tác. Điều quan trọng là các bộ ngành và các địa phương hai bên phải tận dụng thời cơ thực hiện tốt thỏa thuận cấp cao để thúc đẩy hợp tác trong khoa học công nghệ.
Lĩnh vực thứ hai tôi cho rằng hai bên sẽ quan tâm hơn, đó là giáo dục đào tạo. Năm 2024, hai nước đã kỷ niệm 70 năm sự kiện lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh cử các cán bộ "hạt giống đỏ" sang học tập ở Liên Xô. 200 sinh viên trẻ lúc đó là lớp đầu tiên mà Liên Xô giúp Việt Nam đào tạo. Sau này trở về quê hương, họ đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam hàng chục nghìn sinh viên, trong đó có nhiều người trở thành lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, kể cả các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trở thành người đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Có thể nói là đây là lực lượng quan trọng giúp đất nước Việt Nam phát triển. Trong thời gian tới, Việt Nam phải tăng cường hơn nữa hợp tác trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu những mô hình làm sao tận dụng tốt những cơ chế hiện nay, tận dụng tốt số học bổng do phía Nga cung cấp để đào tạo những nhân lực chất lượng cao mà thực sự đất nước đang cần.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Tâm Hằng (TTXVN)