Đại sứ Hà Hoàng Hải: Củng cố quan hệ hữu nghị lâu đời Việt Nam - Ba Lan

Đại sứ Hà Hoàng Hải: Củng cố quan hệ hữu nghị lâu đời Việt Nam - Ba Lan
5 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda bên lề Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 tại Trung Quốc, tháng 6/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ba Lan đối với quan hệ Việt Nam - Ba Lan trong bối cảnh năm nay hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới; là cơ hội để các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ba Lan gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về những vấn đề quan trọng, từ đó xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, thể hiện cam kết trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính trị quốc tế đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Nhiều điểm nóng trên thế giới có nguy cơ lan rộng, tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và Ba Lan. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nối các hoạt động đối ngoại năng động, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thời gian qua, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chuyến thăm cũng thể hiện sự đánh giá cao của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị lâu đời với các nước bạn bè truyền thống ở Trung Đông Âu, trong đó có Ba Lan.
Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi từ ngày 1/1/2025, Ba Lan giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), với vị thế, vai trò ngày quan trọng trong EU, trong khi Việt Nam và EU cũng đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến Ba Lan góp phần thúc đẩy việc thông qua vai trò của Ba Lan tại EU để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Ba Lan nói riêng, Việt Nam - EU nói chung.
Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Ba Lan mang ý nghĩa quan trọng, góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị, thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm và đổi mới sáng tạo. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy hai nước tiến tới nâng cấp quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là cơ hội để Việt Nam cùng Ba Lan đẩy mạnh hợp tác nhằm kết nối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Đông Âu và giữa Ba Lan với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ có thể nêu một số điểm nhấn nổi bật trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan trong 75 năm qua?
Như chúng ta đã biết, Ba Lan công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm, ngày 4/2/1950. Người dân Ba Lan luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho đất nước, con người Việt Nam. Ba Lan đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh kháng chiến cứu nước. Ba Lan là nước duy nhất cử hàng nghìn sĩ quan tham gia cả 2 Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Ba Lan cũng giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư Việt Nam để xây dựng đất nước trong thời bình. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, hai quốc gia đã tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua những lô khẩu trang Việt Nam gửi sang Ba Lan và hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 quý giá viện trợ từ Vácsava tới Hà Nội. Sau đó là sự hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan trong việc giúp đỡ người Việt gặp khó khăn, sơ tán khỏi Ukraine. Những cử chỉ “tương thân tương ái” lúc hoạn nạn đó chứng tỏ hai nước là những đối tác chân thành và hỗ trợ lẫn nhau.
Về kinh tế - thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại Trung Đông Âu, trong khi Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài EU. Hiện nay, người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Ba Lan tại các siêu thị. Trong khi đó, hàng dệt may, bánh kẹo, thực phẩm, nông sản… của Việt Nam cũng không còn xa lạ với người dân Ba Lan. Bên cạnh đó, một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ba Lan là giáo dục - đào tạo. Kể từ những năm 1960 đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu cho Việt Nam. Hiện nay, hằng năm Chính phủ Ba Lan vẫn dành cho sinh viên Việt Nam 20 suất học bổng và dự kiến sẽ tăng hơn nữa số lượng này trong thời gian tới.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 30.000 người, có nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực hòa nhập vào xã hội Ba Lan, đóng góp đáng kể vào việc duy trì, phát triển quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực; được coi là điển hình về cộng đồng người di cư thành công ở Ba Lan.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải. Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương?
Việt Nam và Ba Lan đều là các quốc gia đang phát triển năng động trong khu vực, với vị trí vai trò ngày càng được nâng cao. Cả hai nước đều có những định hướng, tầm nhìn phát triển dài hạn với những mục tiêu riêng. Do đó, để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mỗi nước, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả của các cơ chế tham vấn, tăng cường trao đổi phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn hai bên để có thể hiểu biết được các nhu cầu, mục tiêu của nhau, từ đó lựa chọn các lĩnh vực mà các bên có ưu tiên, thế mạnh, góp phần hỗ trợ nhau cùng phát triển. Một số lĩnh vực đang phát triển và có nhiều tiềm năng trong hợp tác hai nước như du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…
Đối với lĩnh vực du lịch, hai bên cần tính toán thiết lập lại đường bay thẳng, phục vụ nhu cầu của người dân hai nước, cũng như đẩy mạnh thu hút khách du lịch Ba Lan đến thăm Việt Nam. Đối với lĩnh vực lao động, đây là lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa, lao động Việt Nam phù hợp và được đón nhận tại thị trường lao động Ba Lan. Chính vì vậy cơ quan chức năng hai bên cần sớm ký kết các thỏa thuận lao động và thúc đẩy cung cấp lao động chính ngạch từ Việt Nam sang Ba Lan.
Năm nay Việt Nam và Ba Lan kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ có thể cho biết một số kế hoạch và hoạt động nổi bật mà hai nước đã và đang triển khai nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân và tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước?
Để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt của năm nay, từ cuối năm 2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế logo nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Cuộc thi đã thu hút được 350 bài dự thi của cả nghệ sĩ Ba Lan và Việt Nam. Đại sứ quán hai nước đã lựa chọn được logo rất chất lượng, ý nghĩa đối với việc kỷ niệm sự kiện đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Ba Lan. Cuối tháng 1/2025, dự kiến sẽ diễn ra triển lãm tranh nhằm kỷ niệm 80 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Ba Lan, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan sẽ phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội và các cơ quan chức năng hai nước, quán triệt và triển khai các nội dung mà lãnh đạo hai bên đạt được, tích cực phối hợp để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Ba Lan ngày càng đi vào hiệu quả, vì lợi ích của người dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Ngọc Biên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chinh-tri/dai-su-ha-hoang-hai-cung-co-quan-he-huu-nghi-lau-doi-viet-nam-ba-lan-20250115071120255.htm