Đại sứ Mai Phan Dũng: Đại biểu quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận 'lấy con người làm trung tâm' trong phát triển của Việt Nam

Đại sứ Mai Phan Dũng: Đại biểu quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận 'lấy con người làm trung tâm' trong phát triển của Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Đại sứ Mai Phan Dũng (giữa) điều hành Tọa đàm về chuyển đổi hệ thống lương thực để thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lương thực, sự kiện bên lề khóa họp lần thứ 59 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)
Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu và đối tác quốc tế với Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và đóng góp vào quá trình thảo luận tại khóa họp lần thứ 59 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhân dịp kết thúc khóa họp lần thứ 59 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại sứ Mai Phan Dũng đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam điểm lại những kết quả nổi bật của khóa họp và nhiều đóng góp thực chất, đa chiều của Việt Nam tại diễn đàn đa phương về nhân quyền này.
Những nội dung thảo luận chính cũng như các kết quả của khóa họp lần thứ 59 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua, thưa Đại sứ?
Khóa họp lần thứ 59 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 16/6-8/7/2025 tại Geneva, Thụy Sỹ với khối lượng công việc lớn và nhiều nội dung quan trọng.
Trong gần một tháng làm việc, Hội đồng đã tổ chức 5 phiên thảo luận chuyên đề, 35 cuộc đối thoại với các Thủ tục đặc biệt và cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, xem xét hơn 80 báo cáo chuyên đề và thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 quốc gia.
Hội đồng cũng đã thảo luận, thương lượng và thông qua 26 nghị quyết và quyết định về nhiều chủ đề thiết yếu trong lĩnh vực quyền con người như quyền tiếp cận y tế, quyền của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, quyền phát triển, quyền lao động, tác động của trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu đến quyền con người, bảo vệ nhân quyền trong không gian mạng… Ngoài ra, Hội đồng cũng đã bổ nhiệm hai chuyên gia độc lập cho các thủ tục đặc biệt. Đây là kỳ họp thể hiện rõ cam kết chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy các giá trị nhân quyền trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp.
Có thể nói, khóa họp 59 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không chỉ là diễn đàn thảo luận về chính sách, mà còn là nơi thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp.
Đoàn Việt Nam tại phiên thông qua hai Nghị quyết do ta tham gia đề xuất, soạn thảo, ngày 8/7. (Nguồn: PĐTT Việt Nam tại Geneva)
Đại sứ có thể chia sẻ những đóng góp, dấu ấn nổi bật của đoàn Việt Nam tại diễn đàn đa phương về nhân quyền này? Qua các trao đổi, thảo luận trực tiếp tại các phiên họp, bạn bè quốc tế bày tỏ cảm nhận ấn tượng gì về nỗ lực lấy con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của Việt Nam?
Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp 59 Hội đồng Nhân quyền với vai trò thành viên Hội đồng nhiệm kỳ 2023–2025 đã chủ động, tích cực và trách nhiệm trong mọi hoạt động.
Việt Nam đã cùng các nước trong Nhóm nòng cốt khởi xướng, soạn thảo và vận động thông qua bằng đồng thuận hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết về Biến đổi khí hậu và quyền con người (với chủ đề tài chính khí hậu công bằng và hiệu quả), do Việt Nam, Bangladesh và Philippines đồng chủ trì, thu hút sự đồng bảo trợ của hơn 63 quốc gia; và Nghị quyết về bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, do Việt Nam cùng Saudi Arabia, Algeria, Azerbaijan, Kuwait và Pakistan đồng đề xuất, với hơn 87 quốc gia đồng bảo trợ.
Việt Nam cũng tổ chức thành công các hoạt động bên lề. Nổi bật là: Triển lãm ảnh “Việt Nam: Bản sắc, Nhân văn và Hội nhập” tại trụ sở Liên hợp quốc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế về hình ảnh một Việt Nam năng động, đa dạng văn hóa và kiên định cam kết nhân quyền; và Tọa đàm về chuyển đổi hệ thống lương thực để thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lương thực, đồng tổ chức với Bangladesh, Mexico và Hà Lan, với sự tham dự của hơn 50 đại biểu quốc tế.
Qua các trao đổi và tiếp xúc tại Khóa họp, nhiều đại biểu và đối tác quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” trong phát triển của Việt Nam. Các chính sách bảo đảm quyền con người gắn liền với các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi số bền vững đã thể hiện rõ định hướng nhân văn, tiến bộ và nhất quán của Việt Nam.
Những đóng góp thực chất và đa chiều tại khóa họp 59 là minh chứng rõ nét cho vai trò trách nhiệm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam chuẩn bị tái ứng cử nhiệm kỳ 2026–2028.
Toàn cảnh lễ khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam: Bản sắc, Nhân văn và Hội nhập” tại trụ sở Liên hợp quốc, ngày 30/6. (Nguồn: PĐTT Việt Nam tại Geneva)
Là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp, Đại sứ có thể chia sẻ một số kỷ niệm, ấn tượng đặc biệt của mình?
Khóa họp 59 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt thách thức: cạnh tranh nước lớn gia tăng; các cuộc xung đột vũ trang tiếp diễn; khủng hoảng khí hậu, an ninh lương thực, di cư, dịch bệnh cùng với những thách thức mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, không gian mạng đang làm sâu sắc hơn các nguy cơ bất bình đẳng và xâm phạm quyền con người.
Đặc biệt, khóa họp lần này diễn ra trong điều kiện hệ thống Liên hợp quốc, trong đó có Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, đang đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, đe dọa đến khả năng duy trì và vận hành của các cơ chế nhân quyền quốc tế.
Trong bối cảnh đó, điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất là tinh thần cam kết mạnh mẽ, không suy giảm của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Hội đồng vẫn thu hút sự tham gia đông đảo từ các nước thành viên, quan sát viên và tổ chức quốc tế. Các phiên thảo luận chuyên đề, đối thoại với các thủ tục đặc biệt, sự kiện bên lề, tham vấn nghị quyết… diễn ra sôi nổi, thể hiện rõ sự giao thoa giữa các lĩnh vực như khí hậu, phát triển, công nghệ và nhân quyền – cho thấy quyền con người ngày càng là trục xuyên suốt mọi chính sách và thách thức toàn cầu.
Một điểm hết sức đáng nhớ đối với cá nhân tôi là khi tham gia Khóa họp này, cũng là lúc tại Geneva, Đoàn liên ngành Việt Nam đồng thời tham dự Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) trước Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
Việc Việt Nam hiện diện, đóng vai trò tích cực cùng lúc tại cả hai diễn đàn - Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế Công ước, cho thấy rõ sự thống nhất trong cam kết, cách tiếp cận và năng lực của ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách toàn diện, xuyên suốt và nhất quán. Đây là trải nghiệm thực tiễn thể hiện sinh động mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa các diễn đàn nhân quyền trong hệ thống Liên hợp quốc, và cũng là minh chứng cho sự trưởng thành trong phương pháp làm việc của Việt Nam.
Tôi cũng rất ấn tượng với việc Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023–2025. Chúng ta duy trì phương châm đối thoại – hợp tác – tôn trọng lẫn nhau, đồng thời đóng vai trò chủ động trong nhóm nòng cốt xây dựng nghị quyết, tổ chức sự kiện bên lề và thúc đẩy sáng kiến đa phương.
Phương pháp làm việc bài bản, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, cùng tinh thần cầu thị và thực tiễn đã giúp Việt Nam nhận được thiện cảm và sự tôn trọng từ đông đảo bạn bè quốc tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam củng cố uy tín, mở rộng ảnh hưởng và tạo dựng sự ủng hộ rộng rãi trong tiến trình vận động tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026–2028.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
"Những đóng góp thực chất và đa chiều tại khóa họp 59 là minh chứng rõ nét cho vai trò trách nhiệm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam chuẩn bị tái ứng cử nhiệm kỳ 2026–2028." (Đại sứ Mai Phan Dũng)
Đại sứ Mai Phan Dũng thông tin về hình ảnh Việt Nam cho các Đại sứ, đại biểu quốc tế tham dự triển lãm ảnh, ngày 30/6.
(thực hiện)
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dai-su-mai-phan-dung-dai-bieu-quoc-te-danh-gia-cao-cach-tiep-can-lay-con-nguoi-lam-trung-tam-trong-phat-trien-cua-viet-nam-321222.html