Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Gatilov. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters dẫn lời ông Gennady Gatilov cho biết: “Ông Donald Trump đã hứa sẽ giải quyết cuộc khủng hoản Ukraine trong một đên. Được thôi, hãy để ông ấy thử. Nhưng chúng tôi cũng là những người thực tế và chúng tôi hiểu rằng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra”.
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng nếu tổng thống đắc cử của Mỹ “tiến hành hoặc đưa ra gợi ý nào đó để khởi động tiến trình chính trị này thì điều đó rất được hoan nghênh”. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cũng bổ sung rằng bất kỳ cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột nào cũng cần dựa trên “thực tế trên thực địa”. Hiện Ukraine đang là bên được đánh giá là ở thế yếu hơn trong khi quân đội Nga đang đạt được những bước tiến chậm rãi.
Ông Gatilov nhận định việc ông Trump tái đắc cử mở ra khả năng đối thoại mới giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, ông bày tỏ nghi ngờ vào khả năng thiết lập lại quan hệ khi cho biết Washington “luôn theo đuổi lập trường kiềm chế Moscow” và sự thay đổi chính quyền sẽ không khiến tình hình thay đổi.
"Sự thay đổi duy nhất có thể xảy ra là đối thoại giữa hai quốc gia, điều đã thiếu trong vài năm qua," ông nói.
Trước đó trong một bài phỏng vấn với kênh Russia 1 ngày 13/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ không thay đổi lập trường của Mỹ đối với vấn đề xung đột tại Ukraine. RT dẫn lời ông Lavrov cho biết: “Thái độ của Washington đối với các vấn đề của Ukraine và châu Âu sẽ không thay đổi về nguyên tắc, tức là Washington sẽ luôn cố gắng theo dõi mọi diễn biến ở các khu vực gần NATO và ở chính NATO".
Về phía Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng hòa bình không thể được thiết lập cho đến khi tất cả các lực lượng Nga bị trục xuất và tất cả các lãnh thổ mà Moscow chiếm giữ, bao gồm cả Crimea, được trả lại. Tuyên bố trước các nhà lãnh đạo châu Âu gần đây, ông Zelensky khẳng định việc nhượng bộ Nga là “không thể chấp nhận được đối với Ukraine” và đồng thời “là một hành động tự sát đối với toàn bộ châu Âu”.
Trong suốt quá trình tranh cử và trước khi tham gia tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần thể hiện thái độ phản đối quy mô viện trợ của Mỹ cho Kiev, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột nhanh chóng nhưng chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào.
Theo tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin của mình, các cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết xung đột bao gồm đóng băng tiền tuyến, chấp nhận các yêu cầu của Nga đối với các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine và buộc Ukraine tạm thời đình chỉ các kế hoạch gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Nga ngày 13/11 đã bác bỏ kế hoạch này khi cho biết đề xuất đình chiến dọc theo đường tiếp xúc 10 năm là “một thỏa thuận Minsk với một vỏ bọc mới hoặc thậm chí là tệ hơn nữa”.
Ngân Hà