Đại sứ Nguyễn Việt Cường: Như hai người bạn chung ước mơ, Việt Nam và Chile 'gieo hạt nảy mầm' vì tương lai xanh

Đại sứ Nguyễn Việt Cường: Như hai người bạn chung ước mơ, Việt Nam và Chile 'gieo hạt nảy mầm' vì tương lai xanh
4 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Chile về hợp tác nông nghiệp, tháng 11/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G), Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Việt Cường đã có cuộc trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam, nêu bật tiềm năng hợp tác Việt Nam-Chile trên hành trình hướng tới tương lai xanh.
Chủ đề của Hội nghị P4G 2025 do Việt Nam đề xuất là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Đại sứ cảm nhận như thế nào về chủ đề này và sự liên quan của nó đến xu hướng hợp tác quốc tế trong tăng trưởng xanh hiện nay?
Với vai trò nước chủ nhà P4G 2025, chủ đề do Việt Nam đề xuất phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với một quá trình chuyển đổi xanh không chỉ bền vững mà còn bao trùm, trong đó đặt con người vào trung tâm của mọi chính sách và hành động.
Cụ thể hơn, chủ đề Hội nghị nhấn mạnh chuyển đổi xanh phải gắn với lợi ích của con người, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm xanh, hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương và thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu.
Đây cũng là xu hướng hợp tác quốc tế trong tăng trưởng xanh hiện nay, khi các quốc gia ngày càng nhấn mạnh đến tính công bằng và toàn diện trong chuyển đổi xanh, thay vì chỉ tập trung vào công nghệ hay tài chính.
Khi đặt con người làm trung tâm, chúng ta không chỉ xây dựng một tương lai xanh mà còn là một tương lai ấm áp, nơi mọi người dân đều được hưởng lợi, từ những cánh đồng lúa bền vững cho đến những công viên năng lượng mặt trời. Việt Nam mong muốn cùng bạn bè quốc tế "thắp lửa" cho những sáng kiến vì một hành tinh khỏe mạnh hơn.
Đại sứ Nguyễn Việt Cường gặp Thống đốc vùng Los Rios, tháng 1/2025.
Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường đến Chile vào tháng 11/2024, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp với các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đại sứ có thể nêu những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Chile trong lĩnh vực này?
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đến Chile đã tạo đồng thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc tăng cường kết nối hai nền kinh tế. Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Chile nhằm thúc đẩy tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các mô hình nông nghiệp bền vững và trên những lĩnh vực hai nước có thể bổ trợ cho nhau như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo…
Như hai người bạn cùng chung ước mơ, Việt Nam và Chile đang "gieo hạt" cho những cánh đồng nông nghiệp thông minh qua chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
Hai nước cũng hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chile là quốc gia đi đầu ở Mỹ Latinh trong các sáng kiến giảm phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo và cam kết trung hòa carbon. Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hai nước có tiềm năng hợp tác sâu rộng trong phát triển năng lượng sạch, chuyển đổi công nghệ xanh và xây dựng các mô hình đô thị bền vững.
Một điểm nổi bật khác trong hợp tác Việt Nam-Chile liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Chile là quốc gia đã đạt nhiều thành tựu trong kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong tái chế rác thải và sử dụng năng lượng sạch trong công nghiệp. Điều này mang lại nhiều cơ hội để hai nước cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai các dự án chung.
Tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn 2023 tổ chức tại Hà Nội (tháng 11/2023), Chile đã chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón và năng lượng sinh học, một lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G năm 2025 do Việt Nam lần đầu đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 16-17/4, tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động bên lề sự kiện bắt đầu từ ngày 14/4.
Hội nghị dự kiến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, với quy mô đón khoảng 800-1.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Bên cạnh lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Hội nghị chào đón lãnh đạo cấp cao các nước thành viên P4G, các tổ chức quốc tế là đối tác của P4G.
Đại diện lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp, quỹ tài chính, đầu tư lớn của Chính phủ và tư nhân trong lĩnh vực tăng trưởng, chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu cũng tham dự Hội nghị.
Đại sứ Nguyễn Việt Cường gặp Thống đốc vùng Antofagasta, tháng 3/2025.
Chile đang thúc đẩy đầu tư vào sản xuất hydro xanh hướng tới mục tiêu đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2040. Theo Đại sứ, Việt Nam và Chile có thể học hỏi, hỗ trợ nhau như thế nào trên hành trình xanh?
Chile là hình mẫu phát triển hydro xanh bài bản thông qua các sáng kiến nổi bật như chiến lược hydro xanh quốc gia; năng lượng tái tạo; thành phố xanh.
Quốc gia Mỹ Latinh này đã có những hành động cụ thể như lộ trình loại bỏ nhiệt điện than; thành lập Quỹ Công bằng Khí hậu để tài trợ dự án chuyển đổi xanh; đặc biệt là Chính sách đối ngoại xanh với việc bổ nhiệm Đại sứ đặc trách biến đổi khí hậu, tăng cường đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và châu Á về xuất khẩu hydro xanh.
Hydro xanh không chỉ là nhiên liệu mà đó là niềm hy vọng về giải pháp bền vững cho tương lai xanh, không carbon. Việt Nam và Chile có thể hỗ trợ nhau trên hành trình xanh theo nhiều cách. Trong xây dựng lộ trình phát triển hydro xanh, hai bên có thể tham khảo kinh nghiệm về chiến lược phát triển; thu hút đầu tư; xây dựng các trung tâm sản xuất hydro quy mô lớn.
Chẳng hạn, kinh nghiệm của Chile triển khai dự án xây dựng nhà máy hydro xanh tại Magallanes, cực Nam của Chile - nơi tận dụng gió mạnh nhất Nam Mỹ; dự án xây dựng nhà máy thủy điện tại sa mạc Atacama. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm về mô hình điện mặt trời nổi kết hợp thủy điện tại hồ Trị An - một giải pháp độc đáo đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai từ năm 2020.
Việt Nam có thế mạnh về chi phí sản xuất năng lượng tái tạo cạnh tranh, vị trí địa lý gần các thị trường tiêu thụ lớn, thuận lợi cho xuất khẩu và hiện thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điều này mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Chile trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đầu tư vào các dự án hydro xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Chile đều là thành viên của các sáng kiến và cơ chế hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Hai nước có thể trở thành đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới nền kinh tế carbon thấp cũng như có thể phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ phát triển hydro xanh, tìm kiếm các cơ hội hợp tác về tài chính khí hậu, nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân cho các dự án hydro.
"Hydro xanh không chỉ là nhiên liệu mà đó là niềm hy vọng về giải pháp bền vững cho tương lai xanh, không carbon. Việt Nam và Chile có thể hỗ trợ nhau trên hành trình xanh theo nhiều cách", Đại sứ Nguyễn Việt Cường.
Nhà máy hydro xanh tại Magallanes, cực Nam của Chile. (Nguồn: HIF Global)
Xin Đại sứ đánh giá vai trò của các doanh nghiệp và cộng đồng trong hợp tác tăng trưởng xanh. Đại sứ quán Việt Nam tại Chile đang và sẽ triển khai kế hoạch gì nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng vào quá trình này?
Đại sứ quán Việt Nam tại Chile nhận thức rằng, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương chính là động lực chính để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Trong khi hợp tác giữa các doanh nghiệp là yếu tố then chốt để biến các chính sách thành hành động cụ thể và tạo ra những giá trị kinh tế lâu dài thì cộng đồng địa phương chính là lực lượng nòng cốt trong việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Thời gian qua, tôi đã đi một số địa phương của Chile như vùng Los Ríos với thủ phủ Valdivia - thành phố được Công ước Ramsar công nhận là “Thành phố đất ngập nước”; vùng Antofagasta - nơi có nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ và các dự án sản xuất hydro xanh hàng đầu của Chile. Những chuyến công tác này nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối doanh nghiệp hai nước, tìm hiểu công nghệ hiện đại và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thể bổ sung cho nhau.
Đại sứ quán ưu tiên đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Chile thông qua các đoàn công tác, các doanh nghiệp tham gia hội chợ, qua hội thảo chuyên đề về tăng trưởng xanh... Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng thúc đẩy việc ký kết các bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương của hai nước, giữa các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam-Chile trong lĩnh vực tăng trưởng xanh sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xin cảm ơn Đại sứ!
P4G hiện có 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác (Viện Tài nguyên thế giới - WRI, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu - GGGI, mạng lưới C40 - C40 cities, Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF và Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Đại sứ Nguyễn Việt Cường gặp Chủ tịch Hội Công nghiệp vùng Antofagasta, tháng 3/2025.
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-viet-cuong-nhu-hai-nguoi-ban-chung-uoc-mo-viet-nam-va-chile-gieo-hat-nay-mam-vi-tuong-lai-xanh-310325.html