Đại sứ quán Lào giới thiệu sách về đất nước, con người Việt Nam

Đại sứ quán Lào giới thiệu sách về đất nước, con người Việt Nam
9 giờ trướcBài gốc
Bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam với những cuốn sách tại gian trưng bày. Ảnh: Văn Chương
Những cuốn sách mà Đại sứ quán Lào tại Việt Nam giới thiệu tại triển lãm và được đặt trên bàn bao gồm sách song ngữ Lào-Việt, sách tiếng Lào, các tập ký sự, phóng sự của các nhà báo về đất nước Triệu Voi, câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane với Việt Nam, kỷ yếu hội thảo về nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào tại tỉnh Thái Nguyên, biên giới hữu nghị đặc biệt Việt-Lào...
Cuốn sách được ghi chép khá tỉ mỉ và phản ánh rõ nét tính hữu nghị hai nước trong những năm gần đây là “Con đường hữu nghị Việt-Lào”. Cuốn sách này gây chú ý với người đến xem triển lãm. Tiêu đề của cuốn sách này mới xem qua sẽ giống như một hành trình xây dựng mối quan hệ giữa hai nước, nhưng thực ra, từ “con đường” chính là những tuyến đường trên đất nước Lào do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam làm chủ đầu tư, phối hợp với Lào thực hiện. Từ những cung đường này, đất nước Lào có cơ hội phát triển các vùng miền, tạo sự liên kết, giúp người nông dân Lào có điều kiện mở rộng việc canh tác, vận chuyển nông sản, làm tăng lưu lượng hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Trong cuốn sách có nhiều bài viết nêu rõ, lịch sử xây dựng tuyến đường cho Lào không phải mới được thực hiện từ sau năm 1975, mà từ năm 1964, theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Mặt trận yêu nước của Lào (Lào Issara), Bộ Giao thông vận tải B1 và B2 để giúp Lào xây dựng đường. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lúc đó là Phan Trọng Tuệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Việc xây dựng đường thời điểm đó phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí, tuyến đường hành quân để triển khai các chiến dịch Cánh đồng chum, Sầm Nưa.
Các bài viết nêu rõ, đến đầu năm 1965, công trường B1 tổ chức tuyển quân tại tỉnh Thanh Hóa được 2.000 thanh niên xung phong và được đưa sang làm tuyến đường Hủa Phăn của Lào. Công trường B1 vạch kế hoạch mở tuyến đường 6B từ thị xã Sầm Nưa đến Nậm Nơn giáp với tỉnh Xiêng Khoảng, dài hơn 90km. Việc xây dựng đường vào thời điểm đó còn phải chiến đấu, nhiều tổ, chốt được cắm dọc đường để đánh phỉ ra quấy rối.
Trong quá trình thi công, có những thời điểm nóng bỏng, công nhân được trang bị như bộ đội, có đầy đủ súng AK, CKC, Thompson. Một số tuyến đường phải được thi công vào ban đêm, như tuyến B7. Ban ngày, tất cả thanh niên xung phong phải lùi vào rừng và ở trong các khu lán trại bí mật, vừa canh gác, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa đi tìm kiếm thức ăn, lương thực...
Những tuyến đường giao thông được thi công trên đất Lào trong thập niên 1980. Ảnh: Tư liệu
2.000 thanh niên xung phong ở tỉnh Nghệ An được tuyển dụng để xây dựng tuyến đường B2, trực thuộc Ban Chỉ đạo công tác miền Tây - Bộ Giao thông vận tải, tiến hành xây dựng từ ngã ba Khe qua Nậm Mần, Nậm Tiền. Đơn vị thành lập các chốt và cũng trang bị vũ khí để vừa làm đường, vừa chiến đấu. Việc thi công diễn ra khẩn trương để hình thành tuyến đường hành quân, phục vụ cho công tác chiến đấu. Do cuộc sống trong môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn nên rất nhiều thanh niên xung phong đã nằm lại với rừng. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc CEI 18, Giám đốc Ban quản lý các dự án tại Lào chia sẻ câu chuyện khi đất nước Lào giải phóng, điều mà người dân Lào cần nhất lúc đó không phải là vũ khí như thời chiến tranh nữa, mà là con đường để giao thương phát triển.
Cuốn sách này đề cập, đến năm 1984, tuyến đường 8 là cung đường ngắn nhất để đi từ Việt Nam sang Thủ đô Viêng Chăn, nhưng tuyến đường này hư hỏng quá nặng, cầu cống đều sập, mặt đường được làm từ thời Pháp thuộc chỉ còn trơ mặt đá dăm, phương tiện chỉ đi được trên con đường này vào mùa nắng. Vậy rồi các Công ty 674, 372, 675, Cầu 75 lên đường sang Lào. Dọc tuyến đường là nhà lán tre lồ ô, trại dã chiến cho hàng ngàn công nhân Việt Nam ở thi công. Người dân và chính quyền của Lào chào đón công nhân cầu đường như những người lính.
Cuốn sách về gia đình Hoàng thân Souphanouvong với Việt Nam cũng được kể lại với nội dung rất hay. Khi nghe tin Bác mất, cả gia đình Hoàng thân Souphanouvong đã lập bàn thờ Bác trong một hang đá, tại chiến khu Sầm Nưa, hàng ngày hương khói để tưởng nhớ vị lãnh tụ của Việt Nam. Sau này, khi về Thủ đô Viêng Chăn, gia đình Hoàng thân Souphanouvong đã lập bàn thờ tại nhà. Ngôi nhà này trở thành điểm đến của thanh niên Lào và người Việt Nam.
Câu chuyện “Con đường hữu nghị Việt-Lào” trở thành điểm nhấn trong gian trưng bày của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, vì vị lãnh tụ người dân Lào tôn thờ là Hoàng thân Souphanouvong cũng xuất thân từ ngành xây dựng. Năm 1931, sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai văn bằng Khoa học và Văn học nghệ thuật hạng ưu của Trường Albert Sarraut ở Tonkin (Bắc Kỳ), Souphanouvong tiếp tục du học sang Pháp học dự bị đại học tại Trường Saint Louis, sau đó thi đỗ vào Trường Quốc gia cầu đường (Ecole National des Ponts et Chauseés), chuyên khoa xây dựng các công trình dân sự.
Công trình tháp nước ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hiện nay vẫn còn là do Hoàng thân Souphanouvong thiết kế. Năm 1928, chính quyền bảo hộ của Pháp đưa hồ sơ ra công khai đấu thầu xây dựng tháp nước cho Tòa Công sứ, kết quả là bản vẽ của Souphanouvong đã được lựa chọn. Ngày nay, công trình tháp nước này trở thành biểu tượng của thành phố Phan Thiết.
Lê Văn Chương
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dai-su-quan-lao-gioi-thieu-sach-ve-dat-nuoc-con-nguoi-viet-nam-post481827.html