Đại sứ Thụy Sỹ: Tiếng nói của Việt Nam là vô cùng quan trọng và đáng tin cậy với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)

Đại sứ Thụy Sỹ: Tiếng nói của Việt Nam là vô cùng quan trọng và đáng tin cậy với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
9 giờ trướcBài gốc
Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường bắt đầu chuyến thăm Ba Lan, Cộng hòa Czech và tham dự WEF Davos tại Thụy Sỹ ngày 15/1. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos và làm việc song phương tại Thụy Sỹ theo lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass đã có cuộc phỏng vấn với Báo Thế giới và Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết chủ đề chính của Hội nghị WEF Davos 2025 và thông điệp gửi gắm qua chủ đề này?
Như những năm trước, WEF một lần nữa triệu tập các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và tổ chức quốc tế để thảo luận về các chủ đề bao trùm và cam kết hành động vì sự phát triển bền vững hơn.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là "Hợp tác cho kỷ nguyên thông minh". WEF sẽ thảo luận về cách tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo đảm tăng trưởng kinh tế; chuyển đổi các ngành công nghiệp để chúng trở nên kiên cường và bền vững hơn; bảo đảm mọi người đều được trao quyền thông qua giáo dục, phát triển kỹ năng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn; bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai; và tái xây dựng niềm tin giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF, Giáo sư Klaus Schwab tháng 10/2024 tại Hà Nội. (Nguồn: VGP)
Đại sứ kỳ vọng gì về những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos 2025?
Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng tích cực tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Điều này phù hợp với tầm nhìn của Bộ Chính trị và Chính phủ về tăng cường vai trò của Việt Nam ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Điều này càng trở nên rõ ràng qua vai trò tích cực mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện tại Hội nghị WEF Davos 2024 và trong các cuộc họp WEF khu vực trong hai năm qua.
Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng phân cực và nổi lên nhiều căng thẳng, vào thời điểm mà các quốc gia đang tìm kiếm lợi ích riêng của mình và không chú ý đủ đến luật pháp quốc tế và việc theo đuổi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), tiếng nói của ASEAN với tư cách là một khu vực nói chung và tiếng nói của Việt Nam nói riêng là vô cùng quan trọng và rất đáng tin cậy, bởi Việt Nam và khu vực ASEAN là cực ổn định và không ngừng tăng trưởng kinh tế.
Đại sứ cảm nhận thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển đổi số trong thời gian gần đây?
Các mục tiêu và tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đạt mức phát thải ròng bằng 0 và hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng là rất đáng khen ngợi.
Kết quả nổi bật đã được ghi nhận trong Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EUROCHAM) được công bố mới đây phản ánh sự lạc quan của các doanh nghiệp châu Âu về tăng trưởng kinh tế và các cải cách đang diễn ra của Việt Nam. Tất nhiên, gánh nặng hiện nay thuộc về Chính phủ Việt Nam trong việc nhanh chóng thực hiện các chính sách này, đưa ra các khuôn khổ pháp lý có liên quan và thực hiện các dự án cần thiết.
Đại sứ Thomas Gass cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) tháng 10/2024, tại TP Hồ Chí Minh.
Đại sứ có thể chia sẻ một số điểm nhấn của quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và chuyển đổi số?
Hiện có hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ tại Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng, chế biến thực phẩm, dược phẩm và chẩn đoán, máy móc, thiết bị y tế (bao gồm thiết bị và dụng cụ y tế), công nghệ thông tin, vận tải và hậu cần.
Nhiều doanh nghiệp trong số này đã đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số của Việt Nam. Ví dụ, bằng cách cung cấp dịch vụ và phần mềm cho ngành ngân hàng và bảo hiểm; bằng cách đưa ra các giải pháp công nghệ để tạo ra năng lượng hiệu quả hơn và thân thiện với khí hậu, lưới điện thông minh và robot; bằng cách đưa công nghệ và giải pháp mới vào xây dựng và cơ sở hạ tầng; hay bằng cách đóng góp cho ngành sản xuất và chế biến thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Ngoài ra, các công ty Thụy Sỹ được ghi nhận là đã tạo ra hơn 20.000 việc làm tại Việt Nam và luôn được công nhận là một trong những nhà tuyển dụng tốt nhất tại quốc gia hình chữ S, cung cấp các cơ hội việc làm chất lượng. Hai nước cũng đang đàm phán sửa đổi một thỏa thuận bảo hộ đầu tư song phương nhằm cập nhật các tiêu chuẩn mới nhất.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, ấn tượng của Đại sứ về ngày Tết ở Việt Nam là gì? Đại sứ có dự định khám phá điều gì trong dịp đặc biệt này?
Tôi thấy Tết Nguyên đán là hình ảnh thu nhỏ và là sự tôn vinh năng lượng của Việt Nam, cũng như niềm tin hướng tới tương lai với sự lạc quan và lòng dũng cảm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa sau khi Việt Nam đã chứng minh được khả năng phục hồi trong việc ứng phó với tác động của cơn bão Yagi năm ngoái, và đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 80 năm năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025) trong năm nay.
Đối với cá nhân tôi, Tết Nguyên đán sẽ là cơ hội để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của các khu bảo tồn thiên nhiên miền Bắc như Pù Luông (Thanh Hóa) và Cúc Phương (Ninh Bình), và thưởng thức các món đặc sản Tết như bánh chưng và cả các món ngọt như chè lam và mứt gừng.
Đại sứ có muốn gửi thông điệp gì tới người dân Việt Nam nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025?
Chúc mừng năm mới!
Mong rằng năm con rắn sẽ mang đến sự khôn ngoan, phát triển và thịnh vượng cho gia đình của mọi nhà. Được truyền cảm hứng từ năng lượng bền bỉ và sự tháo vát của người dân Việt Nam, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được chia sẻ truyền thống đáng trân trọng này. Chúc năm 2025 mở ra với vô vàn phước lành và cơ hội mới cho tất cả mọi người!
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại sứ Thomas Gass dự chiêu đãi Đoàn Ngoại giao nhân dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân chủ trì ngày 13/1, tại Trụ sở Chính phủ. (Nguồn: X/SwissAmbVietnam)
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dai-su-thuy-sy-tieng-noi-cua-viet-nam-la-vo-cung-quan-trong-va-dang-tin-cay-voi-dien-dan-kinh-te-the-gioi-wef-301507.html