Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương: 'Bao trùm và Bền vững' - Lối đi chiến lược mới của ASEAN

Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương: 'Bao trùm và Bền vững' - Lối đi chiến lược mới của ASEAN
6 giờ trướcBài gốc
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương. Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương cho biết năm 2025 có nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với ASEAN: Kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng, 20 năm ra đời Cấp cao Đông Á (EAS), hoàn thành thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và chuyển sang giai đoạn phát triển mới, với việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng các Kế hoạch chiến lược trên các trụ cột và các lĩnh vực.
Với chủ đề “Bao trùm và Bền vững”, Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025, nhấn mạnh các ưu tiên: Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tận dụng hiệu quả các tiến bộ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các ngành công nghệ mới; đảm bảo tính bao trùm và bền vững trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao mức sống của người dân và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động nhanh chóng, khó lường, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, trực diện, tác động đến khu vực và ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, Cấp cao đầu tiên của ASEAN năm 2025, là dịp để các nước ASEAN khẳng định cam kết củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác, đề cao vai trò trung tâm và khả năng tự cường của ASEAN, vững bước chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đồng thời, trụ vững trước những vòng xoáy bất ổn của thế giới. Dự kiến Hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2045: Tương lai chung của Chúng ta” và bộ văn kiện “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045”, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của các nhà Lãnh đạo ASEAN chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường, sáng tạo, năng động, lấy người dân làm trung tâm và sẵn sàng hướng về tương lai.
Tại Hội nghị, các Nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận và thống nhất về những định hướng hợp tác quan trọng của ASEAN trong năm 2025 và cho giai đoạn mới đến 2045; trao đổi, khẳng định quan điểm chung của ASEAN với các vấn đề địa chính trị, địa kinh tế đang nổi lên. Nhân dịp này, các nhà Lãnh đạo ASEAN cũng sẽ họp với Lãnh đạo Trung Quốc và các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC), tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác vì ổn định, phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực và trên thế giới.
Thách thức chính là những thời cơ
Về những thời cơ và thách thức của lộ trình mới cho giai đoạn phát triển mới của ASEAN cũng như bầu không khí trong ASEAN trước bối cảnh mới, Đại sứ cho biết, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, là văn kiện quan trọng, định hướng hợp tác dài hạn cho ASEAN cho giai đoạn 20 năm tới, tiếp nối các văn kiện tầm nhìn trước đây, thường chỉ có chiều dài 10 năm. Ý tưởng xây dựng Tầm nhìn sau 2025 cho ASEAN được “thai nghén” từ năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, được chính thức khởi động năm 2022, và hoàn tất trong năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN.
Theo Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, các nước kỳ vọng về một ASEAN lớn mạnh, vững vàng, trưởng thành hơn sau 10 năm trở thành Cộng đồng và 58 năm hình thành phát triển; kỳ vọng cộng đồng đó có khả năng đưa các quốc gia thành viên vượt qua các thách thức, bất ổn, tận dụng cơ hội mở ra từ đà phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, để tăng tốc, bứt phá; kỳ vọng 670 triệu người dân trong khu vực tiếp tục được sống trong hòa bình, ổn định, có cuộc sống no ấm, thịnh vượng, trong một môi trường xanh, sạch, bền vững; vai trò, hình ảnh, vị thế của ASEAN ở khu vực và trên thế giới chủ động, tích cực hơn nữa.
Đại sứ cho rằng thời cơ đối với ASEAN trong 20 năm tới là xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trên thế giới; ASEAN có lợi thế là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới; nhu cầu hợp tác nội khối, hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực tăng lên. Trong khi đó cũng có cả các thách thức cố hữu và thách thức mới nổi: khả năng duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, dung hòa các lợi ích đa dạng; khoảng cách phát triển còn lớn; áp lực từ cạnh tranh chiến lược nước lớn; khả năng tận dụng các cơ hội từ phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cũng như năng lực ứng phó, xử lý các vấn đề nổi lên.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN đều nhận thức rõ về cả thời cơ và thách thức đối với ASEAN. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 Việt Nam gia nhập ASEAN trong chuyến thăm chính thức tới Ban Thư ký ASEAN ngày 9/3 vừa qua: Khó khăn, thách thức là động lực cho sự đổi mới để phát triển, và chính trong những thách thức, khó khăn đó cơ hội lại xuất hiện để ASEAN vươn lên bứt phá và khẳng định vị thế mới.
Điều quan trọng là cam kết và tầm quan trọng mà các nước thành viên dành cho ASEAN là nhất quán và ngày càng được củng cố. Lộ trình cụ thể hóa các mục tiêu cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đã được thể hiện qua các Kế hoạch chiến lược thúc đẩy hợp tác trên các trụ cột và các lĩnh vực đi kèm. Từ tầm nhìn tới hành động, các nước ASEAN sẽ cần đầu tư cả nguồn lực, ý chí chính trị và cách tiếp cận linh hoạt, nhạy bén để thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn các mục tiêu đề ra.
Sức hút của ASEAN
Về sức hấp dẫn của ASEAN đối với các đối tác khu vực và quốc tế và tầm ảnh hưởng của ASEAN với nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hợp tác, Đại sứ cho biết có 55 nước trong và ngoài khu vực đã ký văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN, thể hiện sự tôn trọng và cam kết với các nguyên tắc chỉ đạo trong quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực do ASEAN khởi xướng. Có 94 nước cử Đại sứ tại ASEAN, trong đó có 10 nước cử Đại sứ và lập Phái đoàn chuyên trách bên cạnh ASEAN. Số lượng các nước đề nghị trở thành Đối tác Đối thoại, Đối tác theo lĩnh vực, Đối tác phát triển, đề nghị họp Cấp cao với ASEAN, đề nghị tham gia các cơ chế do ASEAN chủ trì, mong muốn tham gia TAC… tiếp tục gia tăng.
Đại sứ chia sẻ cảm nhận rõ sức hút và những quan tâm, đầu tư của các nước đối tác dành cho ASEAN, thông qua các chương trình, hoạt động hợp tác đa dạng, thiết thực, thông qua các kênh đối thoại, trao đổi thông tin trên nhiều lĩnh vực, ở các tầng nấc, đang được duy trì, và thông qua cả số lượng, tần suất các cuộc họp, các hoạt động với các đối tác mà các Đại sứ/Đại diện thường trực các nước thành viên tại ASEAN tham gia.
Ngoài ra, khi có vấn đề nổi lên, tác động đến hòa bình, ổn định ở khu vực, ASEAN luôn chủ động lên tiếng và tiếng nói của ASEAN luôn được các đối tác, gồm các nước lớn, chú ý lắng nghe. ASEAN đã tạo dựng được các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, khởi xướng và chủ trì các cơ chế đối thoại và hợp tác, hình thành mạng lưới quan hệ rộng khắp với các đối tác, bao gồm cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiều quốc gia có ảnh hưởng quan trọng và các tổ chức khu vực, quốc tế hàng đầu. Qua đó, ASEAN tích cực thúc đẩy văn hóa đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, kiến tạo các quan hệ liên kết kinh tế, huy động các nỗ lực hợp tác ứng phó các thách thức chung. Vai trò, đóng góp của ASEAN cho hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới đã và đang được phát huy.
Việt Nam đóng góp tích cực cho “mái nhà chung”
Theo Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương, năm 2025 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Cùng ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam; đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng; trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung của ASEAN; góp phần hiện thực hóa những tiềm năng và hóa giải các thách thức, tiếp tục chung tay cùng các nước ASEAN hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của ASEAN, lan tỏa các câu chuyện thành công của ASEAN”.
cộng đồng ASEAN vững mạnh đem lại lợi ích lớn lao cho các nước thành viên. Do đó, các quốc gia thành viên vừa có trách nhiệm, vừa có lợi ích, đóng góp cho sự phát triển, lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN. Ở thời điểm lịch sử đối với cả ASEAN và Việt Nam hiện nay, chủ trương được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định nói trên sẽ được cụ thể hóa bằng những đóng góp thiết thực, tích cực của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác, vì một Ngôi nhà chung ASEAN ổn định, bền vững, tiếp tục là mái ấm của gần 700 triệu người dân các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Đỗ Quyên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-su-ton-thi-ngoc-huong-bao-trum-va-ben-vung-loi-di-chien-luoc-moi-cua-asean-20250525103750993.htm