Đại sứ Vũ Thanh Huyền: Chuyến thăm của Tổng thống Burundi là dấu mốc lịch sử, động lực khai phá tiềm năng

Đại sứ Vũ Thanh Huyền: Chuyến thăm của Tổng thống Burundi là dấu mốc lịch sử, động lực khai phá tiềm năng
một ngày trướcBài gốc
Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye tiếp Đại sứ Vũ Thanh Huyền sau lễ trình Thư ủy nhiệm, tháng 10/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)
Trước thềm chuyến thăm chính thức của Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye và Phu nhân từ ngày 3 - 6/4 theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, Đại sứ Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Burundi Vũ Thanh Huyền đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm cũng như tiềm năng hợp tác Việt Nam-Burundi trong tương lai.
Tổng thống Evariste Ndayishimiye là Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Burundi thăm chính thức Việt Nam, xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm, đặc biệt khi năm nay đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (16/4/1975 - 16/4/2025)?
Diễn ra đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, cụ thể là Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025”.
Chuyến thăm được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, thể hiện sự mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa và xã hội.
Trong cuộc tiếp kiến gần đây tại lễ trình thư Ủy nhiệm, Tổng thống Evariste Ndayishimiye bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn vào chuyến thăm Việt Nam; nhấn mạnh hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tư tưởng hệ và cần tăng cường giao lưu kinh tế - thương mại - đầu tư tương xứng với tiềm năng của mỗi nước.
Đại sứ Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Burundi. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)
Đâu là điểm nhấn của quan hệ Việt Nam-Burundi trong nửa thế kỷ qua, thưa Đại sứ?
Việt Nam và Burundi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/4/1975. Do nhiều yếu tố khách quan, việc trao đổi đoàn cấp cao, các bộ ngành giữa hai bên rất hạn chế. Phía ta thăm bạn có Thứ trưởng Nguyễn Xuân, đặc phái viên Chính phủ năm 1976. Phía bạn thăm ta có Thủ tướng Burundi Pascal-Firmin Ndimira dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 và gần đây nhất chuyến thăm của Tổng Thư ký đảng Hội đồng quốc gia bảo vệ dân chủ - Lực lượng bảo vệ dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền Révérien Ndikuriyo năm 2024.
Việt Nam và Burundi có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa, từng trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân, có nhiều tiềm năng hợp tác nhưng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hai nước.
Trong nửa thế kỷ qua, điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước phải nói đến việc triển khai dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vào thị trường Burundi tháng 6/2014 trị giá 200 triệu USD với tên gọi Lumitel.
Sau 11 năm kinh doanh tại thị trường, Lumitel hiện là nhà mạng viễn thông giữ thị phần số 1 tại Burundi và là một trong những doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất cho Chính phủ Burundi; tạo hàng ngàn công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân, tham gia nhiều các hoạt động xã hội từ thiện... Lumitel được lãnh đạo Đảng, Nhà nước Burundi đánh giá rất cao vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Burundi, trở thành cầu nối gắn kết giữa hai quốc gia.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hai nước chưa mở cơ quan đại diện, việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Burundi năm 2024 là minh chứng thể hiện sự mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với Burundi.
Đại sứ Vũ Thanh Huyền làm việc với Tập đoàn Viettel Burundi (Lumitel), tháng 10/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)
Theo Đại sứ, tiềm năng hợp tác quốc gia Đông Nam Á và quốc gia Đông Phi nằm ở những lĩnh vực nào? Hai nước cần làm gì để “mở khóa” những tiềm năng đó?
Đầu Đông Phi có nhu cầu tranh thủ đầu tư, viện trợ, công nghệ; trao đổi kinh nghiệm phát triển; thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế; góp phần giải quyết những tồn tại sau chiến tranh; nỗ lực chống đói nghèo và dịch bệnh.
Đây là khu vực có sức mua lớn với các yêu cầu không quá khắt khe và khá lý tưởng vì nhu cầu phù hợp với trình độ sản xuất và khả năng cung ứng của Việt Nam về chất lượng, mẫu mã, giá cả... của các mặt hàng như gạo, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm điện, điện tử, cơ khí... Khu vực này cũng có thế mạnh cung cấp các nguyên liệu thô mà Việt Nam có nhu cầu như dầu thô, nông sản thô, khoáng sản, kim loại quý...
Đặc biệt với nhiều nước châu Phi nói chung, Việt Nam luôn được coi là hình mẫu cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nhanh chóng thoát nghèo và phát triển thành công kinh tế - xã hội.
Đối với nhiều quốc gia ở khu vực Đông Phi cũng như Burundi thì nông nghiệp được coi là trụ cột của nền kinh tế, giúp giải quyết các thách thức về xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng chiến lược chuyển đổi nông nghiệp phù hợp với điều kiện của đất nước.
Với sự ra đời của Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) năm 2021, trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường châu Phi đang và sẽ tăng đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam, một nền kinh tế năng động ở khu vực Đông Nam Á, đang ngày càng quan tâm, nhìn nhận châu Phi nói chung và khu vực Đông Phi như một thị trường mới, tiềm năng, giàu tài nguyên và các cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Thế mạnh của Burundi tập trung phát triển nông nghiệp với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê và chè cùng một số nông sản, trái cây... Thời gian qua, Chính phủ Burundi liên tục thúc đẩy các sáng kiến hiện đại hóa, chuyển đổi và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp; quan tâm phát triển lĩnh vực khai khoáng đặc biệt là vàng, niken và khoáng sản đất hiếm.
Đồng thời, Burundi cũng đang thực hiện các quy định mới để thu hút đầu tư như phát triển cơ sở hạ tầng về năng lượng (nhà máy thủy điện/điện mặt trời và hệ thống truyền tải) và giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay) để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực.
Về đối ngoại, Burundi thực hiện đường lối đa dạng hóa quan hệ và hiện là thành viên của nhiều các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Phong trào không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ, Cộng đồng Đông Phi (EAC)... Đối với các tổ chức kinh tế, Burundi hiện là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... và tham gia Liên minh thuế quan Tây Phi (2005), Thị trường chung Đông và Nam Phi (2010).
Trên cơ sở đó, hai nước có thể đẩy mạnh quan hệ thương mại, thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương và chuyến thăm tới đây của Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye có thể là động lực "mở khóa" tiềm năng hợp tác của cả hai bên.
Đại sứ Vũ Thanh Huyền trao Quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bujumbura, Burundi cho ông Juvenal Sakubu, tháng 5/2024. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)
Bước qua "cánh cửa" nửa thế kỷ, Đại sứ kỳ vọng gì về quan hệ Việt Nam-Burundi trong hành trình tới?
Trải qua hơn năm thập kỷ, từ nền tảng bạn bè truyền thống quan hệ hai nước đã và đang phát triển lên đối tác hợp tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, cả bình diện song phương và đa phương.
Với chủ trương và quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước, với nguồn lực và tiềm năng hợp tác, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước được hun đúc và thử thách trong năm thập kỷ qua, tôi tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam-Burundi sẽ tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại - đầu tư, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển chung của hai khu vực và hai châu lục.
Tuy hai nước chưa mở cơ quan đại diện, nhưng sự tin cậy, gắn kết trong tình bạn đã và đang ngày càng đơm hoa kết trái qua các hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, vào tháng 5/2024 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Burundi, Đại sứ Vũ Thanh Huyền đã long trọng trao Quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bujumbura, Burundi cho ông Juvenal Sakubu, một doanh nhân thành công, có uy tín tại quốc gia Đông Phi này.
Có thể khẳng định vai trò quan trọng của Lãnh sự danh dự trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với Burundi nói chung, với khu vực lãnh sự danh dự cũng như triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại khu vực lãnh sự phụ trách.
Với năng lực, uy tín và tình cảm gắn bó với Việt Nam ông Juvenal Sakubu, tôi tin tưởng đây chính là cánh tay nối dài của góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển vững mạnh.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Thế mạnh của Burundi tập trung phát triển nông nghiệp với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê và chè cùng một số nông sản, trái cây... (Nguồn: Wiki)
Đại sứ Vũ Thanh Huyền là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania, kiêm nhiệm Cộng hòa Kenya, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Cộng hòa Rwanda, Cộng hòa Uganda, Cộng hòa Burundi, Cộng hòa Liên bang Somalia và Đại diện của Việt Nam tại Liên minh châu Phi.
(thực hiện)
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/dai-su-vu-thanh-huyen-chuyen-tham-cua-tong-thong-burundi-la-dau-moc-lich-su-dong-luc-khai-pha-tiem-nang-309533.html