Đại tá Khương Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM: Gắn phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa và vun bồi tinh thần yêu nước cho doanh nhân trẻ

Đại tá Khương Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM: Gắn phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa và vun bồi tinh thần yêu nước cho doanh nhân trẻ
6 giờ trướcBài gốc
* Thưa ông, đâu là những hình ảnh đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của diện mạo TP.HCM trong hành trình nửa thế kỷ qua?
- Trong 50 năm, TP.HCM đã có những thay đổi mạnh mẽ, nhất là về hạ tầng kỹ thuật.
Có những công trình làm thay đổi tình trạng giao thông ở một khu vực, như hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Lợi, cầu Ba Son, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Đại lộ Phạm Văn Đồng, sắp tới là đường Vành đai 3…
Có những công trình mang dấu ấn như một biểu tượng như tòa nhà Bitexco, Landmark 81… Có những khu đô thị mới làm thay đổi hình ảnh một góc Thành phố, như Thảo Điền, An Phú, An Khánh…
Và có những công trình mà sự xuất hiện không chỉ làm thay đổi diện mạo một khu vực rộng lớn, mà còn tác động rất mạnh đến tiến trình phát triển, tạo ra chất lượng cuộc sống mới, nhận thức mới, niềm tin mới và đưa Thành phố lên tầm cao mới. Đó là công trình dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án phát triển vùng phía Nam TP.HCM; Dự án Khu đô thị đại học và tuyến Metro Số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của đất nước, trong đó TP.HCM giữ vai trò tiên phong.
Đại tá Khương Văn Thuấn phát biểu tham luận tại Hội thảo chuyên đề nâng cao kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp năm 2022
Mỗi công trình đều mang một giá trị và sức ảnh hưởng riêng trong đời sống, nhưng tựu trung lại thể hiện tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo và trên hết là những giá trị nghĩa tình đã luôn được gìn giữ và phát huy qua từng chặng đường phát triển của Thành phố.
* Trong lĩnh vực kinh tế, ông thấy đâu là những dấu ấn đáng tự hào của TP.HCM?
- Tôi gắn bó với TP.HCM hơn 20 năm và là một người lính bước vào mặt trận kinh tế hơn 10 năm, nên có thể chưa có cái nhìn toàn cảnh về kinh tế Thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua. Nhưng tôi tự hào vì TP.HCM luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, vượt lên các hậu quả của chiến tranh; cấm vận của Mỹ để vươn lên mạnh mẽ.
Hiện TP.HCM đang tập trung nâng cao tăng trưởng, đẩy mạnh công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, rồi cả kinh tế tuần hoàn nữa. Lực lượng lao động cũng thay đổi, lao động có chuyên môn tăng lên rõ rệt, trong khi lao động phổ thông thì giảm dần.
Thành phố không chỉ là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ mà còn là nơi thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế cũng tập trung về đây. TP.HCM không chỉ là hình mẫu của sự đổi mới mà còn là nơi hội tụ giá trị văn hóa, trung tâm giáo dục quan trọng của cả nước.
Năng lực và vị thế kinh tế của Thành phố được khẳng định qua chỉ tiêu "mật độ kinh tế" so với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và cả nước.
Nếu năm 2010 mật độ kinh tế của Thành phố gấp 7,18 lần so với cả vùng và gấp 38,25 lần so với cả nước, thì năm 2020 đã tăng lên tương ứng là 7,56 lần và 41,49 lần. Năm 2020, mật độ kinh tế của Thành phố đã gấp 1,94 lần năm 2010 (theo giá so với năm 2010).
Năm 2010 tỷ trọng giữa 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp - công nghệ cao và nông nghiệp tương ứng là 55,98%; 42,96% và 1,06%. Giai đoạn 2021 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM có suy giảm.
Tôi nhớ không nhầm, năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi cả nước và hầu hết các nước trên thế giới, kinh tế Thành phố chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng 1,4% (cả nước 2,91%), thì năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là Vùng KTTĐPN và Thành phố, tăng trưởng kinh tế Thành phố đã giảm sâu (-6,78%) trong khi cả nước vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng GDP là 2,58%.
Năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức tăng trưởng đạt 9,03%, vượt xa kế hoạch đề ra (6 - 6,5%). Thu ngân sách đạt 122% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp khoảng 26,5% tổng thu ngân sách quốc gia.
Đặc biệt, quý I/2025 ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, kinh tế Thành phố tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là con số ấn tượng, nó tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nhân trong đó có doanh nhân CCB chúng tôi!
Năm 1990, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân được thông qua, đã tạo bước ngoặt lớn, giúp các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu máy móc, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, DN TP.HCM đóng góp hơn 50% GRDP, chiếm 67% vốn đầu tư toàn xã hội và 25% kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhiều DN đã không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm “made by Vietnam” ra thế giới.
Với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM, mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính tầm cỡ châu Á, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD và trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu vào năm 2045 là điều hoàn toàn có thể đạt được.
* Vậy trong hành trình này, doanh nhân cựu chiến binh (CCB) TP.HCM đã để lại những dấu ấn như thế nào, thưa ông?
- Những doanh nhân CCB TP.HCM vẫn vững bước trên mặt trận kinh tế hôm nay, mang theo phẩm chất kiên cường của người lính Cụ Hồ.
Những cái tên như Anh hùng Lao động Nguyễn Đình Trường - nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến; ông Nguyễn Văn Chuyền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế ITC, Đại tá - Kỹ sư Trần Ngọc Thiều - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viễn Thông ACT, TS-BS. Nguyễn Xuân Lam - Giám đốc Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin… đã “thắp lửa” tinh thần không lùi bước, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và lao động bền bỉ.
Ông Khương Văn Thuấn cùng đại diện Viện Doanh nhân APEC, lãnh đạo 4 trường Đại học (Nông Lâm, Bách Khoa, Giao thông - Vận tải, Tài Chính Marketing) Thành phố ký kết hợp tác trong việc hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lự
Đội ngũ doanh nhân CCB TP.HCM vẫn giữ vững “kỷ luật thép”, bản lĩnh vững vàng, niềm tin mạnh mẽ vào giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và truyền lại ngọn lửa ấy cho thế hệ con cháu doanh nhân, nhà khoa học, cán bộ trẻ đang tiếp nối hành trình vẻ vang cho Thành phố.
* Theo ông, làm thế nào để lan tỏa tinh thần "không lùi bước" từ các CCB sang thế hệ doanh nhân trẻ hôm nay?
- Theo tôi, cần một quá trình liên tục và thống nhất giữa lý thuyết và thực tiễn trong khởi nghiệp. Các doanh nhân CCB, qua những câu chuyện đầy ý nghĩa của mình, không chỉ chia sẻ về thành công mà còn về những thử thách gian nan đã vượt qua.
Những bài học từ thất bại, sự kiên cường giữ vững các giá trị cốt lõi và quyết tâm không từ bỏ, theo tôi cũng là minh chứng sống cho tinh thần vượt khó mà họ mang lại.
Chính những câu chuyện thực tế này cần được lan tỏa trong giáo dục khởi nghiệp, bắt đầu từ các trường đại học, để thế hệ trẻ hiểu rằng khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của công nghệ, mà còn là câu chuyện của ý chí, bản lĩnh và lòng kiên trì không mệt mỏi.
Chúng ta cần nâng tầm và làm mới hình ảnh người lính trong thời bình, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, khởi nghiệp và chuyển đổi xanh.
* Những năm gần đây, các DN do CCB TP.HCM điều hành đã ghi dấu như thế nào trong công cuộc phát triển kinh tế và đóng góp xã hội, thưa ông?
- Với Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023, vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã được khẳng định một cách mạnh mẽ.
Các DN Việt không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, tự lực tự cường, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều DN Việt đã vươn lên tầm khu vực, nâng cao vị thế quốc gia. Điều này đã được minh chứng rõ ràng trong lễ tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thành phố ngày 15/4 vừa qua.
Tại TP.HCM, Nghị quyết này khơi dậy sự đóng góp âm thầm nhưng mạnh mẽ của các DN do CCB làm chủ. Họ đã trụ vững trong nhiều lĩnh vực truyền thống, tạo dựng môi trường làm việc ổn định cho hàng ngàn lao động và truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ. Vai trò và dấu ấn của họ không chỉ trong thành tựu kinh tế mà còn được Nhà nước và xã hội ghi nhận.
Nhiều doanh nhân CCB đã đóng góp hàng tỷ đồng cho các chương trình đền ơn đáp nghĩa, học bổng, và xây nhà tình nghĩa. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ chính là minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và giá trị nhân văn. Đây cũng là sự giao thoa giữa tinh thần chiến đấu kiên cường của một thời, với tinh thần kiến tạo, xây dựng đất nước trong thời bình hôm nay.
* Hội đã và đang làm gì để đồng hành cùng hội viên trong việc kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu và mở rộng đầu ra cho sản phẩm, thưa ông?
- Trong những năm qua, Hội đã thực hiện hàng loạt hoạt động thiết thực, tập trung vào năm nhóm nội dung chính để hỗ trợ hội viên. Hội tổ chức các diễn đàn, hội chợ giao thương kết nối doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các công ty hội viên.
Ngoài ra, các đoàn khảo sát và xúc tiến thương mại cũng được tổ chức tại nhiều vùng miền trên cả nước để mở rộng cơ hội và thị trường cho hội viên.
Bên cạnh đó, Hội vận động thành lập các Câu lạc bộ Doanh nhân CCB, Cựu quân nhân theo ngành nghề tại các quận, huyện, phường, xã, kết nối vốn và tài chính giúp DN phát triển.
Hội cũng khuyến khích các doanh nhân đang sinh sống tại các khu chung cư cao cấp như Đảo Kim Cương, Imperia An Phú, Lixington tham gia làm hội viên liên kết, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố và các chương trình xã hội.
Nhiều DN hội viên như Công ty CP Thương mại Quốc tế ITC, Công ty CP Viễn Thông ACT, Công ty CP Thực phẩm Á Long, Công ty CP Đồng Tiến... đã vươn ra thế giới và đạt được thành công.
Cộng đồng doanh nhân CCB TP.HCM ngày càng được ghi nhận không chỉ nhờ phẩm chất "người lính" mà còn bởi tư duy kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp. Với phương châm “Nghĩa tình - Hợp tác - Hiệu quả”, Hội luôn đồng hành cùng DN bằng hành động thực tế, giúp mở rộng cơ hội và thúc đẩy phát triển bền vững.
* Thưa ông, các doanh nhân CCB TP.HCM đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ như thế nào trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và công tác xã hội, đặc biệt trong việc hỗ trợ cộng đồng yếu thế?
- Theo tôi, đây chính là "phần hồn" của cộng đồng doanh nhân CCB TP.HCM.
Họ không chỉ là những người làm kinh tế, mà còn là những chiến sĩ tiếp tục cống hiến trong thời bình, mang trọn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên hai mặt trận sản xuất - kinh doanh và công tác xã hội.
Các doanh nhân CCB luôn âm thầm đóng góp qua những hành động thiết thực như hỗ trợ người nghèo, trao học bổng, tặng xe đạp, sách vở cho học sinh vùng sâu, vùng xa, xây dựng cầu, đường, nhà tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội cũ gặp khó khăn...
Đại diện hội trao bò giống cho hội viên
Hiện nay, tôi đang tích cực kết nối với các doanh nhân tại TP.HCM, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp ở Đảo Kim Cương, để thúc đẩy các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ DN CCB và các hộ dân phát triển kinh tế địa phương.
Phải khẳng định, doanh nhân CCB TP.HCM hành động âm thầm nhưng đầy ý nghĩa, với phương châm "hành động thay lời nói", luôn gắn kết làm kinh tế với nghĩa tình và vì lợi ích chung của cộng đồng.
* Hội đã triển khai những giải pháp gì để nâng cao năng lực hội viên trong đổi mới công nghệ và tiếp cận vốn, thưa ông?
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng, nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành một chiến lược quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân CCB TP.HCM. Đổi mới công nghệ và tiếp cận vốn là những yếu tố then chốt giúp DN vững bước và không bị bỏ lại phía sau.
Hiểu rõ điều này, Hội đã đóng vai trò như một “bà đỡ”, triển khai các giải pháp thiết thực. Hội phối hợp với các trường đại học, như Đại học Nông Lâm TP.HCM, để chuyển giao công nghệ sinh học mới, đồng thời kết nối với các tổ chức tài chính nhằm hỗ trợ vốn ưu đãi.
* Làm thế nào để xây dựng mô hình “liên kết 3 nhà” (Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà DN) nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong nông nghiệp và kinh tế, thưa ông?
- Theo tôi, để xây dựng mô hình liên kết ba nhà gồm: Nhà nông, Nhà khoa học và nhà DN, cần tạo cơ chế kết nối chặt chẽ và thực chất giữa các bên.
Hội đóng vai trò như "người bắc cầu", kết nối hội viên có đất đai và kinh nghiệm sản xuất với các nhóm nghiên cứu mang công nghệ mới, cùng DN đầu tư và bao tiêu sản phẩm, tạo nên dòng chảy mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Với phương châm "liên kết để phát triển bền vững", Hội không chỉ đặt nền tảng trên nghĩa tình đồng đội mà còn chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức uy tín như Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và nhiều hội, câu lạc bộ ở các tỉnh thành…. Qua đó, giúp hội viên nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới sản xuất xanh trong thời kỳ hội nhập.
* Trước thềm Đại lễ mừng 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, ông có những tâm tình gì gửi đến lãnh đạo Thành phố và thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng doanh nhân?
- Các doanh nhân CCB, với phẩm chất kiên cường, tiên phong, bền bỉ của anh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước, không chỉ bằng năng lực kinh doanh mà còn bằng tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và nghĩa tình đồng đội.
Tôi mong thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, mạnh mẽ vươn lên trong mọi thử thách, góp phần xây dựng TP.HCM và đất nước ngày càng giàu mạnh.
Và hơn nữa, đội ngũ doanh nhân trẻ Thành phố hãy hành động và lan tỏa giá trị sống nghĩa trình của người Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM; hình ảnh về một Thành phố năng động, sáng tạo đến người dân, du khách trong và ngoài nước, trong đó có DN nước ngoài thêm mạnh mẽ hơn nữa!
* Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Cao Minh Tèo
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/dai-ta-khuong-van-thuan-chu-tich-hoi-doanh-nhan-cuu-chien-binh-tp-hcm-gan-phat-trien-kinh-te-voi-xay-dung-van-hoa-va-vun-boi-tinh-than-yeu-nuoc-cho-doanh-nhan-tre-317506.html