Đại thắng mùa xuân 1975: Cảm hứng cho những ca khúc bất hủ

Đại thắng mùa xuân 1975: Cảm hứng cho những ca khúc bất hủ
8 giờ trướcBài gốc
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái Phạm Hồng Tuyến - Ảnh: NVCC
Hành trình cảm xúc với "Đất nước trọn niềm vui"
Trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng Việt Nam, "Đất nước trọn niềm vui", sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hà (1929 -2013), vang lên như một khúc ca thiêng liêng, ghi dấu thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhạc sĩ Hoàng Hà đã sáng tác bài hát vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Hà đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì thế, ông thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với những tin tức nóng hổi về tình hình chiến sự. Khi nghe tin quân giải phóng tiến về Sài Gòn, trong lòng người nhạc sĩ trào dâng xúc cảm và hạnh phúc. Ngay đêm hôm đó, ông đã hoàn thành cả phần giai điệu và lời ca bài hát "Đất nước trọn niềm vui".
"Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng...". Có thể nói, "Đất nước trọn niềm vui" không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ Hoàng Hà mà còn thể hiện được niềm hạnh phúc vô biên của hàng triệu trái tim Việt Nam khi miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà.
Nhạc sĩ Hoàng Hà trong chương trình 30 năm Đoàn giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam - Ảnh tư liệu
Với NSƯT Đăng Dương, ca khúc này không chỉ là một tác phẩm kinh điển của dòng nhạc đỏ mà còn là dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp nghệ thuật của anh - người được đánh giá là một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài hát này. Yêu thích dòng nhạc đỏ từ khi còn là cậu bé 5-6 tuổi nhưng phải đến khi bước vào con đường học tập thanh nhạc chuyên nghiệp, anh mới "dám" hát "Đất nước trọn niềm vui". "Đây là một bài chính ca, quãng rộng, rất khó thể hiện. Phải nắm được kỹ thuật thanh nhạc mới có thể hát được", nghệ sĩ Đăng Dương chia sẻ.
Một điều đặc biệt, người đầu tiên thể hiện ca khúc này - NSND Trung Kiên - chính là thầy giáo của anh. Bài hát được thu âm tại phố Quán Sứ (Hà Nội) và được phát trên sóng đài phát thanh vào đúng ngày 30/4/1975. Ý nghĩa đặc biệt của ca khúc này đã khiến nghệ sĩ Đăng Dương chọn "Đất nước trọn niềm vui" làm tên album đầu tay của mình - một cách để tri ân tác phẩm và thời đại. Đến nay, "Đất nước trọn niềm vui" luôn là bài hát NSƯT Đăng Dương gắn bó nhiều nhất. Hầu như năm nào anh cũng được mời thể hiện ca khúc này ở các chương trình nghệ thuật lớn. Với NSƯT Đăng Dương, không phải sân khấu nào cũng mang lại cảm xúc đặc biệt như nhau. Lần biểu diễn khiến anh nhớ nhất chính là trong chương trình hòa nhạc đặc biệt "Bản giao hưởng hòa bình" diễn ra tại Nhà hát TPHCM vào tối 21/4/2025. Chương trình là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Tôi hát "Đất nước trọn niềm vui" cùng dàn nhạc giao hưởng, khép lại buổi hòa nhạc đầy cảm xúc. Đây là dịp hiếm hoi tôi có thể hòa nhịp ca khúc này cùng dàn nhạc giao hưởng tại TPHCM, trong sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đó là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi", NSND Đăng Dương chia sẻ. Với anh, "Đất nước trọn niềm vui" không chỉ là một bài hát mà còn là ký ức, là niềm tự hào, là một phần không thể thiếu trong hành trình âm nhạc của anh.
"Như có Bác trong ngày đại thắng" - Khúc khải hoàn từ tháng 4 lịch sử
Chị Phạm Hồng Tuyến, con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930), cho biết, năm 1975, chị đang học vỡ lòng, chỉ còn vài tháng nữa là lên lớp 1. Bố chị là nhạc sĩ nhưng làm ở cơ quan "báo nói" nên luôn phải theo dõi tình hình chiến sự. Mọi người trong nhà thường xuyên được bố cập nhật tin tức. Lúc đó, tin tức về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 đang làm nức lòng người dân Hà Nội và toàn miền Bắc, tin chiến thắng vang lên hàng ngày trên Đài Tiếng nói Việt Nam…
"Đến ngày 28/4/1975, khi nghe tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, bố tôi rất xúc động. Đêm đó, ông không muốn làm ảnh hưởng giấc ngủ của 3 mẹ con nên đã ra cầu thang tầng ba, chỗ có bóng đèn vẫn sáng, tay cầm bút chì và ghi ra những dòng nhạc đầy hân hoan của ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng". Dường như ông có linh cảm ngày toàn thắng sẽ đến nay mai thôi", chị Tuyến chia sẻ.
Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng - Ảnh tư liệu
Quả thật chỉ 2 ngày sau, ngày 30/4/1975, thời khắc lịch sử đã điểm... Vào bản tin 17giờ 30 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam, những giai điệu của ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" đã vang lên. Đây là lần đầu tiên một bài hát được tổ chức thu thanh nhanh đến vậy. "Sau này, bố tôi tâm sự rằng, ông viết bài này trong 2 giờ đồng hồ cộng với cả cuộc đời...", chị Phạm Hồng Tuyến xúc động nói.
Bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" rất dễ thuộc. Không cần bố dạy hát, mà chỉ nghe qua sóng phát thanh, chị Tuyến có thể hát ngay được. Ngày mùng 1 tháng 5, đúng sinh nhật mình, chị Tuyến chơi đùa cùng các bạn ở khu Khương Thượng (Thanh Xuân, Hà Nội), cả nhóm trẻ hát véo von, rồi đi "tuần hành" lên gác, xuống sân, hát đi hát lại không chán. Chị Tuyến nhớ: "Ở đâu cũng vang lên giai điệu hào sảng, tươi sáng, giản dị mà khí thế, dễ nhớ ấy. Ấn tượng nhất với mọi người là đoàn quân nhạc chơi không ngừng nghỉ quanh Bờ Hồ. Bài hát đã ra đời thật đúng lúc, như một tiếng reo vui mừng ngày hòa bình sau bao năm chiến tranh".
Mười năm sau khi bài hát ra đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Để ghi dấu niềm vinh dự này, vợ ông đã quyết định "xuất chuồng" hai con gà nhà nuôi để thết đãi đồng nghiệp của chồng. Đó là một bữa ăn được coi là xa xỉ thời bao cấp…
Từ đó đến nay, "Như có Bác trong ngày đại thắng" đã trở thành ca khúc quen thuộc trong ký ức nhiều thế hệ, được vang lên trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn, hội diễn, hội thi... "Năm tháng qua đi, bài hát còn trở thành bài chúc mừng chiến thắng của các đội tuyển, các vận động viên thể thao. Cứ mỗi lần nghe được lời ca khí thế của đông đảo cổ động viên trên khán đài, hoặc của chính các cầu thủ sau trận thi đấu thành công là bố tôi lại rưng rưng cảm động", chị Tuyến cho biết.
Với điệp khúc "Việt Nam - Hồ Chí Minh", bài hát còn được lan tỏa ra thế giới, được bạn bè quốc tế biết đến và hát vang, bởi câu hát ấy dù được thể hiện bằng ngôn ngữ nào cũng đều phát âm giống nhau, đều thể hiện tinh thần đầy tự hào.
Nửa thế kỷ qua, "Như có Bác trong ngày đại thắng" đã sống trong lòng người Việt như một biểu tượng của niềm vui thống nhất, của khát vọng hòa bình và lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với riêng chị Phạm Hồng Tuyến, đó mãi là thanh âm của một đêm tháng Tư rực rỡ, nơi người cha cầm bút ghi lại khúc khải hoàn của cả một dân tộc.
"Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" - khơi nguồn hành trình mùa xuân kiến thiết và phát triển
Nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975
Với nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996), ông đã viết nên nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, trong đó có "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh". Bài hát được ông sáng tác năm 1975 trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn. Dọc đường đi, những câu hát mở đầu ca khúc bật lên trong đầu ông: "Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la". Hình hài bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" cứ thế hình thành, sau đó được nhạc sĩ hoàn chỉnh đúng vào dịp Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Không chỉ tổng kết cuộc trường kỳ kháng chiến, bài hát "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" còn khơi nguồn cả hành trình mùa xuân kiến thiết và phát triển, tiếp tục làm nên những "thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời".
Là một trong những người thể hiện thành công ca khúc "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: "Nếu nói đến những ca khúc về Thành phố Hồ Chí Minh thì đây là bài hát bật lên trong suy nghĩ của nhiều người. Ca khúc có cả sự mến yêu, sự tự hào với thành phố "đã viết nên thiên anh hùng ca". Tôi rất yêu ca khúc này và đã thể hiện nó theo phong cách swing-jazz, một phong cách âm nhạc khá hiện đại, để mang đến cảm giác đầy năng lượng, mới mẻ, yêu đời, đúng chất của người Sài Gòn. Âm nhạc cách mạng trong thời bình vẫn mang những giá trị thời đại to lớn. Ý nghĩa lớn nhất là gợi nhớ về một thời hào hùng mà ông cha ta đã đi qua. Bằng cách nhìn, cảm nhận riêng, nhiều nghệ sĩ trẻ đã làm mới các ca khúc cách mạng, để sức sống của những ca khúc đó được trường tồn theo năm tháng, được lan tỏa nhiều hơn đến thế hệ sau".
Nhóm PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/dai-thang-mua-xuan-1975-cam-hung-cho-nhung-ca-khuc-bat-hu-20250428145102187.htm