Vùng đất Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt trong thời chiến. Người dân nơi đây tự hào về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước bất diệt của mình. Bên cạnh đó, họ cũng hãnh diện khi là quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê, vị tướng nổi tiếng của Việt Nam.
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1999). Ảnh tư liệu
Tướng Đoàn Khuê sinh năm 1923, quê ở thôn Gia Đẳng, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trong số 16 Đại tướng hiện tại của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông là người duy nhất đến từ Quảng Trị.
Cha của Đại tướng Đoàn Khuê là cụ Đoàn Cầu, người Cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khi đó. Mẹ của ông là cụ Nguyễn Thị Dương. Gia đình Đại tướng Đoàn Khuê có tất cả 9 anh chị em thì trong đó đã có 6 người là liệt sĩ. Đó cũng là lý do cụ Nguyễn Thị Dương và mẹ kế của tướng Đoàn Khuê sau này được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài 6 người anh, chị, em đã mất, tướng Đoàn Khuê còn 2 người em trai cũng là sĩ quan cao cấp trong quân đội là Trung tướng Đoàn Chương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự) và Đại tá Đoàn Thúy.
Đồng chí Đoàn Khuê (giữa), Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5 làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 Gia Lai-Kon Tum ở Đồn 21 dịp Tết Mậu Ngọ 1978. Ảnh tư liệu
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, tinh thần cách mạng luôn dâng cao nên đồng chí Đoàn Khuê giác ngộ rất sớm. Năm 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Sau này, ông cũng từng bị địch bắt, phải ngồi tù nhưng vẫn luôn giữ lòng kiên trung, ý chí chiến đấu mãnh liệt.
Nói về Đại tướng Đoàn Khuê, không thể không kể đến nhãn quan chiến thuật, tầm nhìn xa trông rộng của ông. Trong hơn 30 năm tham gia chiến trận, ông lập không biết bao nhiêu chiến công, là nhân tố quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên, tiêu biểu có chiến thắng Măng Đen, Chư Đrếch… Sau này nhờ có chủ trương sáng suốt của tướng Đoàn Khuê mà quân và dân Khu 5 có được thắng lợi, góp phần vào “bước chân thần tốc” của quân và dân cả nước giải phóng miền Nam vào tháng 4/1975.
Đại tướng Đoàn Khuê (thứ 3, từ phải qua) thăm bộ đội đảo Cồn Cỏ, ngày 26/1/1995. Ảnh: T.L
Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, Đại tướng Đoàn Khuê lại bắt tay vào xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân cho đất nước. Với cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đã có nhiều đề xuất thiết thực, hợp lý, giúp ổn định an ninh chính trị. Đặc biệt, Đại tướng Đoàn Khuê chính là người đã thúc đẩy thành lập Công ty Điện tử viễn thông Quân đội (năm 1995), nay là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Sự nghiệp của Đại tướng Đoàn Khuê có thể nói là vô cùng vẻ vang. Ông được phong hàm Thiếu tướng năm 1974, Trung tướng năm 1980, Thượng tướng năm 1984, Đại tướng năm 1990.
Đại tướng Đoàn Khuê với người dân Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Sinh thời, Đại tướng nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1991 – 1997), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1987 – 1991).
Một ngày mùa đông tháng 1/1999 ở Hà Nội, Đại tướng Đoàn Khuê qua đời, để lại cho chúng ta một cuộc đời thật đẹp. Cuộc đời ông là cuộc đời của một người yêu nước, xuất thân từ gia đình cách mạng, hi sinh hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho dân tộc và nhân dân.
Đại tướng Đoàn Khuê và phu nhân. Ảnh tư liệu
Hiện tại ở Việt Nam có nhiều địa danh mang tên vị Đại tướng người Quảng Trị này. Tại Hà Nội có đường Đoàn Khuê thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định), phường Khuê Mỹ (TP Đà Nẵng), TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đều có đường Đoàn Khuê.
Theo Sở hữu trí tuệ