Ông với bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam, sinh ngày 1-12-1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến và thấu hiểu sự nghèo đói cùng cực của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp, ông sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động phong trào ở địa phương. Tròn 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tự nguyện dấn thân theo con đường cách mạng, ông bước vào hành trình đầy gian khổ chông gai, thử thách và hy sinh với niềm tin tất thắng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, của đất nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao phó nhiều trọng trách.
Đại tướng Lê Đức Anh. Nguồn: Báo Nhân Dân
Trong những ngày cuối tháng 4-2025, cả nước ta sục sôi khí thế hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025), chúng ta không thể không nhắc tới Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy tài ba của 5 cánh quân - Đoàn 232 tiến vào giải phóng Sài Gòn vừa tròn nửa thế kỷ; góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nửa cuối thế kỷ XX.
Nhớ lại, ngày 8-4-1975, tại cơ quan Bộ tư lệnh Miền ở phía Tây thị trấn Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định; trong đó, ông được giao làm Phó tư lệnh kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía Tây - Tây Nam Sài Gòn.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, không chỉ riêng mình ông nhận thấy cái khó khăn nhất đối với các hướng tiến công vào Sài Gòn là hướng Tây - Tây Nam bởi địa hình sông nước, kênh rạch và sình lầy.
Trên hướng Tây - Tây Nam, Đoàn 232 do ông làm Tư lệnh gồm các Sư đoàn 3, 5, 9 và 4 trung đoàn độc lập, 1 trung đoàn đặc công, được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng T54, một tiểu đoàn PT85, một tiểu đoàn pháo 130mm, một trung đoàn và một tiểu đoàn pháo phòng không, cùng Sư đoàn 8, Quân khu 8 và các lực lượng vũ trang địa phương với nhiệm vụ là: Thứ nhất, chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông cùng lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long của địch, chủ yếu là đoạn từ Bến Lức đến Mỹ Tho. Thứ hai, tiến công Biệt khu Thủ đô địch. Thứ ba, tiến công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập và một bộ phận vào căn cứ Tư lệnh Hải quân (Ba Son và Bạch Đằng).
Trên cơ sở đó, ông giao Sư đoàn 5 tổ chức một trung đoàn đánh Thủ Thừa, hai trung đoàn đánh thị xã Tân An, làm tốt nhiệm vụ cắt Lộ 4, tiếp tục phát triển vào thành phố, chiếm Phú Lâm. Sư đoàn 8 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích Khu 8 đánh chiếm Mỹ Tho và đoạn Cái Bè, kiên quyết không cho địch từ Sài Gòn chạy về co cụm ở Chỉ huy Vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ.
Một mũi tiến công nữa của Đoàn 232 đánh vào Cần Giuộc, Nhà Bè. Vì vùng này ngập nước, nhiều sình lầy, ông giao cho đồng chí Huỳnh Công Thân - Phó tư lệnh Quân khu 8, đồng chí Nguyễn Văn Chiểu - Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Long An, đồng chí Võ Văn Thạnh - Cục phó Chính trị Miền trực tiếp chỉ huy mũi tiến công này. Mũi này đã phải nhờ những xuồng nhỏ của nhân dân để vận động, cả quãng đường dài tiến công là hệ thống đồn bốt địch dày đặc, đi tới đâu gỡ đồn bốt đến đó. Khi ta đánh phủ đầu vài đồn, khiến địch hoang mang rệu rã, thấy quân ta tiến đến là tháo chạy.
Vấn đề hóc búa nhất đối với hướng Tây - Tây Nam do ông trực tiếp chỉ huy đánh vào Sài Gòn là vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô. Đoàn 232 được Bộ Chỉ huy Chiến dịch tăng cường thêm lực lượng bộ binh, pháo, cao xạ, cả pháo 130mm, một trung đoàn xe tăng và thiết giáp; trong đó, 1/3 là tăng T54. Tất cả xe, pháo gần 800 chiếc.
Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông trước khi chiến đấu nên phải giữ bí mật, tiến hành vượt sông ban đêm và chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công cũng vào ban đêm trong một khu vực địch còn kiểm soát. Cả hai khu vực bên sông Vàm Cỏ Đông mà Đoàn dự kiến vượt đều sình lầy. Đường từ hậu phương ra tới bến vượt rất lầy lội, không có biện pháp khắc phục thì khó mà hành quân cơ giới nổi.
Kiên quyết vượt khó khăn, ông cùng Bộ tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam chỉ huy các lực lượng đẩy mạnh tiến công trên các hướng Bến Lức, Long An, đánh thông hành lang Tây Ninh - Kiến Tường, mở xong các vùng Bến Cầu, Bến Sỏi, Quéo Ba, làm chủ một vùng sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục tiến xuống vùng Tân An, Thủ Thừa, áp sát đánh giao thông Lộ 4, cắt Lộ 4 thành nhiều đoạn, bao vây chặt Cần Thơ và pháo kích sân bay Trà Nóc không cho địch chi viện về Sài Gòn.
Đúng 17 giờ, ngày 26-4-1975, ông lệnh các đơn vị hướng Tây - Tây Nam đồng loạt nổ súng cùng với các hướng khác giải phóng Sài Gòn. 3 giờ sáng, ngày 27-4-1975, Sư đoàn 5 cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang đánh cắt Lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch để bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các Trung đoàn 24, Trung đoàn 88 bám sát vào nội đô phía Nam Sài Gòn.
Khi xe tăng, thiết giáp của Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn qua huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây, dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo binh vượt qua; ông đã kịp thời chỉ đạo bộ đội trở lại giúp nhân dân làm lại nhà đã dỡ cho xe tăng thiết giáp qua.
Hơn 10 giờ, ngày 29-4-1975, Sư đoàn 3 vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến đánh và làm chủ Thị xã Hậu Nghĩa, sau đó, tổ chức đánh chiếm Chi khu Đức Hòa, căn cứ Trà Cú. Sư đoàn 3 chiếm Thị xã Hậu Nghĩa tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đưa toàn bộ lực lượng vào Mỹ Hạnh, sau đó chọc thẳng vào nội đô Sài Gòn.
Sáng ngày 30-4-1975, Sư đoàn 9 do đồng chí Võ Văn Dần chỉ huy tiến thẳng vào nội đô, chia làm hai mũi: Mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 sau khi đánh tan một tiểu đoàn dù địch ở ngã ba Bà Quẹo, đánh chiếm Phân chi khu Vĩnh Lộc, tiến vào ngã tư Bảy Hiền, đập tan sự kháng cự của địch và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô buộc tướng ngụy Lâm Quang Phát đầu hàng. Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tiến công tiêu diệt Sở chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn biệt động quân 88 của địch trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó, đánh tan Tiểu đoàn bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, tiến công chốt của Tiểu đoàn bảo an 317, diệt Chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ và phái một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Lúc 5 giờ 30 phút, mũi tiến công của Trung đoàn 24 phối hợp với đơn vị đặc công diệt đồn ngã ba Đình Hưng Đông, sau đó đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường và cầu chữ Y; 10 giờ 10 phút, đánh chiếm Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngụy và đưa một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập. Trung đoàn 88, từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ tiến công diệt đồn và phân chi khu Bà Phước, sau đó phát triển tiến công làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè. Trung đoàn 16, lúc 6 giờ 30 phút, chiếm ga An Lộc; 10 giờ 30 phút chiếm cầu Bình Điền, sau đó phát triển vào nội thành.
Sư đoàn 5, từ 5 giờ đến 12 giờ, tiến công, bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các liên đoàn biệt động quân của địch, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm Thị xã Tân An, Chi khu Thủ Thừa,… Các đơn vị đặc công, 8 giờ, chiếm quận Tân Bình, 10 giờ, chiếm quận Bình Chánh; 12 giờ, chiếm đặc khu Rừng Sác.
Phía mũi tiến công do đồng chí Huỳnh Công Thân - Phó tư lệnh Quân khu 8, đồng chí Nguyễn Văn Chiểu - Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Long An, đồng chí Võ Văn Thạnh - Cục phó Chính trị Miền trực tiếp chỉ huy đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát đô thành. Khoảng 9 giờ, ngày 30-4, mũi này làm chủ và tổ chức gác toàn bộ các vị trí. Anh em rất hăng hái, nên dù không được giao mục tiêu, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ sớm đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, đã cho một mũi vào Dinh Độc Lập, còn một mũi phát triển ra cảng hải quân, đánh chiếm căn cứ Tư lệnh Hải quân địch.
Mũi phát triển vào tới Dinh Độc Lập thì hợp điểm với mũi thọc sâu của Quân đoàn 2. Tại thời khắc lịch sử, ngày 30-4-1975, ở Dinh Độc Lập có mặt ba mũi cùng tiến công vào từ hai hướng: Hướng Đông là mũi của Quân đoàn 2, hướng Tây - Tây Nam là mũi của Sư đoàn 9 và một mũi của đồng chí Huỳnh Công Thân (Đoàn 232).
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân Việt Nam giành toàn thắng.
Đánh giá về bản lĩnh của ông trên cương vị Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam ngày ấy, Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Tổ chức một mũi đánh có cả lực lượng tăng - thiết giáp từ vùng miền Đông sông nước thu được thắng lợi cũng là một quyết sách tác chiến mạnh dạn, táo bạo của đồng chí Lê Đức Anh”(2).
Thêm một lời kết về bản lĩnh và tài năng của ông, đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: “Tôi cho rằng anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”(3).
Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN (Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam)
1. Dẫn theo: Võ Văn Kiệt - Nguyên Thủ tướng Chính phủ, Những kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh, Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.284.
2. Dẫn theo: Đại tướng Phạm Văn Trà, Bản lĩnh và những quyết sách nhạy bén, đúng đắn, sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ Quốc phòng - Ban Tuyên giáo Trung ương - Văn phòng Chủ tịch nước - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 76.
3. Dẫn theo: Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Anh Lê Đức Anh là nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta, Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.273.