Đại tướng Lê Trọng Tấn - Người chỉ huy nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân

Đại tướng Lê Trọng Tấn - Người chỉ huy nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân
3 giờ trướcBài gốc
Thượng tá Trần Anh Tuấn. Ảnh: Diệp Chi
- Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch lớn, quan trọng và đều lập công xuất sắc. Phải chăng chính vì vậy mà Đại tướng Lê Trọng Tấn được mệnh danh là vị tướng trận mạc và được ví như Nguyên soái Giu-cốp của Liên Xô?
- Đại tướng Lê Trọng Tấn tham gia Quân đội từ sớm, trưởng thành từ chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, quân đoàn đến Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là một trong những vị "tướng trận mạc", có mặt khắp chiến trường trọng điểm, từ Bắc chí Nam, từ miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị và cả chiến trường Đông Dương. Ông luôn được cấp trên tin tưởng, giao đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khó khăn, trong những tình huống hết sức phức tạp, khẩn trương. Ông là người chỉ huy nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường.
Đặc biệt, ông là nhà chỉ huy tài năng, có tầm nhìn chiến lược, tư duy phân tích thực tiễn rất nhạy bén; linh hoạt, sắc sảo trong đánh giá, xử trí các tính huống. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Đồng chí Lê Trọng Tấn là một trong những Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta.... Là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao, trong hoàn cảnh gay go, ác liệt như thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Tài năng và những chiến công của Đại tướng Lê Trọng Tấn được nhiều người ví như tướng Giu-cốp, vị Nguyên soái huyền thoại của Quân đội Xô Viết, được nhiều đồng đội mến gọi là “Giu-cốp của Việt Nam”.
Năm 1973, khi vào thăm chiến trường Quảng Trị, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn và hỏi: “Đây có phải tướng giỏi nhất của Việt Nam không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các triều đại”.
- Đồng chí có thể phân tích để thấy rõ hơn về sự nhạy cảm đặc biệt của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong quá trình mà ông chỉ huy tác chiến?
- Đầu năm 1971, địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra đường số 9 và Nam Lào, nhằm tiến đánh Sê Pôn và chặn phá đường Hồ Chí Minh. Chúng huy động tới 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay, ngạo mạn tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”. Quân ủy Trung ương đã chủ động mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy để đối phó. Ngay sau khi nghe báo cáo là chính quyền ngụy Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã nói: “Địch sắp rút! Phải chuẩn bị đánh địch rút lui!”. Và thực tế diễn ra đúng như vậy. Đó là một sự phán đoán rất nhanh nhạy và kịp thời của Đại tướng Lê Trọng Tấn.
- Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân phía Đông do Đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy; trước đó, cánh quân này không có trong kế hoạch tác chiến, nhưng chính cánh quân này đã cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về vai trò của cánh quân phía Đông do Đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy trong Chiến dịch lịch sử này?
- Đầu tháng 4/1975, sau Chiến dịch Đà Nẵng giành thắng lợi, bằng sự mẫn cảm của một vị tướng dạn dày kinh nghiêm trận mạc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã đề nghị Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thành lập cánh quân Duyên hải, tức là cánh quân phía Đông, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Đề nghị này được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tán thành. Ngay lập tức, cánh quân phía Đông được thành lập và đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh.
Sáng ngày 7/4/1975, từ điểm xuất phát Đà Nẵng, cánh quân Duyên hải chia làm 5 khối thần tốc hành tiến theo quốc lộ 1 vào Nam. Với sức mạnh tiến công “một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ huy cuộc hành quân thần tốc đưa một đạo quân gồm 4 vạn người với hàng nghìn xe pháo các loại, vượt qua chặng đường hàng nghìn km, xuyên qua 3 quân khu địch, vượt 50 con sông, 600 cầu, đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, áp sát Sài Gòn, chuẩn bị tổng công kích. Tại đây, bằng tư duy phán đoán và phân tích chiến lược, ông đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước giờ G làm cho đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Chính Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 thuộc cánh quân của ông đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Thực tiễn thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã chứng minh: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”. Thành công ấy mang đậm dấu ấn tư duy chiến lược của đồng chí Lê Trọng Tấn.
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua xã Bha Lê (đoạn ngã ba Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), gắn liền với Chiến dịch Hồ Chí Minh và những chiến công của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh: Nhật Minh
- Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy Đại đoàn 312 đánh từ hướng Đông. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông là Tư lệnh cánh quân phía Đông, đây là một sự trùng hợp rất đặc biệt...?
- Đúng thế, có một điều đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy Đại đoàn 312, từ cánh quân phía Đông đánh vào trung tâm Sở Chỉ huy địch ở Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Đại đoàn 312 do ông chỉ huy là đại đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ trận mở màn Him Lam đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và 21 năm sau, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng từ phía Đông, ông là Tư lệnh hướng quan trọng này, bắt sống hai tướng ngụy, sau đó đánh chiếm hoàn toàn Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Như vậy, trong hai trận quyết chiến cuối cùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Lê Trọng Tấn đều trực tiếp chỉ huy hai binh đoàn cơ động từ phía Đông đánh vào trung tâm sào huyệt địch, bắt sống chỉ huy đầu não địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Với hai chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng”. Đây quả là một sự trùng hợp thú vị, như một sự lựa chọn của lịch sử.
- Đại tướng Lê Trọng Tấn đã từng chỉ huy rất nhiều trận đánh, rất nhiều chiến dịch. Và có những trận đánh mặc dù không trực tiếp chỉ huy, nhưng trước sự tổn thất hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng đã thắng thắn nhận trách nhiệm về mình... Tấm gương can đảm của một vị tướng trận mạc để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm...?
- Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1951, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, ta chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, ông đã thẳng thắn tự phê bình và nhận khuyết điểm về mình. Trước việc làm đó, nhiều cán bộ cấp dưới đã noi gương ông tự phê bình một cách thẳng thắn, nghiêm khắc, không tranh công, đổ lỗi. Trong một trận đánh bảo vệ biên giới, ta không thành công. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhiều ý kiến và phê phán khá gay gắt về trận đánh này. Thủ tướng chất vấn: “Trách nhiệm này thuộc về ai?”. Dù không chỉ huy trực tiếp nhưng trước thất bại của trận đánh và sự hy sinh của chiến sĩ, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn đứng lên trả lời: “Thưa anh, trách nhiệm thuộc về tôi - Tổng tham mưu trưởng”.
Tấm gương của một vị tướng dày dạn trận mạc, lừng lẫy chiến công, nhưng sẵn sàng dám chịu trách nhiệm, nhận lỗi cho cấp dưới khiến mọi người càng tin yêu, khâm phục. Người mà ông nhớ nhất là những chiến sĩ đã hy sinh nơi chiến trận, mãi mãi không trở về. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Với ông, xương máu của chiến sĩ là vô giá và luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Sau này, mỗi khi có thời gian và điều kiện, ông trở lại chiến trường, đến các nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ. Không ít lần, mắt ông đã đỏ hoe vì xúc động, thương tiếc đồng đội.
- Vâng, xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Diệp Chi (thực hiện)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dai-tuong-le-trong-tan-nguoi-chi-huy-nam-vung-va-van-dung-sang-tao-duong-loi-chien-tranh-nhan-dan-post481858.html