Đại tướng Nguyễn Quyết khi tròn 100 tuổi. Ảnh: qdnd.vn
Đại tướng Nguyễn Quyết, tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20/8/1922 trong một gia đình nông dân ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. 15 tuổi, người thiếu niên yêu nước Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội, làm thư ký kiêm phát hành cho Báo Đuốc Tuệ - tờ báo của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ có trụ sở ở phố Quán Sứ và nhanh chóng bị lôi cuốn vào các hoạt động của phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và trải qua quá trình thử thách, năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng. Đến cuối tháng 8/1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định ông tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác vận động công nhân. Cùng các đồng chí của mình, ông đã xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành, tích cực làm công tác phát triển Đảng...
Mùa hè năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy Hà Nội phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận nhiệm vụ khác. Mới chỉ vài tháng làm nhiệm vụ, đêm 17/8/1945, dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết, Thành ủy Hà Nội họp và ra quyết định lịch sử: Bằng lực lượng tại chỗ, Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945. Nắm vững thời cơ, hiểu rõ thế và lực quân địch và tình hình cách mạng, Hà Nội khởi nghĩa đúng kế hoạch, giành thắng lợi triệt để, như là ánh sáng soi tới các địa phương khác cùng quật khởi vùng lên.
Sự kiện này đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam trở thành bài học khởi nghĩa bản lĩnh, sáng tạo, kiên quyết, kịp thời và triệt để hành động theo Chỉ thị của Đảng và Bác Hồ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đặt trong bối cảnh năm 1945, Hà Nội - vị trí chiến lược, đầu não của quân Pháp càng thấy khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội mang ý nghĩa quyết định để Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau này, đồng chí Trường Chinh đánh giá rất cao Bí thư Nguyễn Quyết và tập thể Thành ủy Hà Nội là “thông tuệ”, “sắc sảo”...!
Cách mạng Tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại Nam Bộ, với lòng yêu nước và kinh nghiệm lãnh đạo khởi nghĩa, chỉ huy quân sự, đồng chí Nguyễn Quyết xin Trung ương vào Nam chiến đấu. Từ năm 1946 đến 1950, với cương vị Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí chủ trương sử dụng lực lượng chủ lực hợp đồng chặt chẽ với quân dân địa phương chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt. Cuối năm 1953, để cứu vãn tình hình bất lợi, quân Pháp mở chiến dịch Át-lăng nằm trong tổng thể Kế hoạch Nava nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để làm bàn đạp đánh chiếm Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy trực tiếp chống chiến dịch lớn chưa từng có này của Pháp. Quân ta chiến đấu quyết liệt, tăng cường lực lượng chính quy cho chiến trường Phú Yên, giải phóng Kon Tum, đánh vỗ mặt các cuộc hành binh của Pháp.
Quân Pháp thất bại, buộc phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, không thể tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ. Quân dân Liên khu 5 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi “đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân”. Chiến thắng chiến dịch Át-lăng thực sự là một “kỳ tích”, bởi giữ cho Liên khu 5 là hậu phương vững chắc, góp công lớn vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cuộc gặp gỡ thân mật của các cán bộ, đội viên tự vệ chiến đấu đã tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội (đồng chí Nguyễn Quyết - hàng trước, thứ 3, từ trái sang). Ảnh: qdnd.vn
Năm 1955, Quân đội điều đồng chí Nguyễn Quyết về làm Chính ủy Quân khu Tả Ngạn (tiền thân của Quân khu 3). Suốt gần 30 năm, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, hình thành thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang nòng cốt 3 thứ quân. Trên cơ sở phát triển một cách sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, Quân khu có sự chuyển biến tích cực to lớn về nhiều mặt, nhanh chóng, cơ động chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến để chiến thắng đế quốc Mỹ.
Đóng góp nổi bật của ông là tất cả các lực lượng đều có khả năng cơ động cao trong tác chiến, trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp. Các đơn vị chủ lực phải cơ động trên phạm vi rộng để thực hiện những nhiệm vụ mang tính quyết định. Ông luôn sâu sát thực tế, luôn có mặt ở những đơn vị khó khăn nhất, các điểm nóng hoặc những nơi có nhân tố mới để nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời hay nhân rộng, phát huy. Đặc biệt, quan tâm đến vấn đề biển, đảo, những dịp Tết, ông thường xuyên đi tìm hiểu tình hình và chúc Tết quân, dân những nơi đảo xa. Ở những năm của thế kỷ XXI này nhìn về những năm 80 của thế kỷ trước càng thấy các quyết sách của ông trong phong trào “Làm giàu, đánh thắng”, “Vươn ra biển Đông làm giàu, đánh thắng” mang tính chiến lược, đi trước thời gian.
Năm 1986, Thượng tướng Nguyễn Quyết về nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, thấu hiểu tình hình, ông được Trung ương, Quốc hội trao thêm trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông phát huy hết tài năng, tâm huyết, đi khắp đất nước, đến với những nơi khó khăn, biên giới, hải đảo, đến cả các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia...
Tháng 5/1989, ông ra Trường Sa và khẩu hiệu thiêng liêng: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” ra đời. Là nhà lãnh đạo nghiên cứu sâu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách hệ thống, triệt để học và làm theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, am hiểu kỹ càng, tường tận thực tế, những chủ kiến khoa học của ông góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề, thuyết phục Trung ương, Bộ Chính trị có những nghị quyết kịp thời, đúng đắn về quân sự - quốc phòng, kinh tế, đối ngoại... không chỉ phù hợp tình hình trong nước, khu vực mà với cả thế giới.
Cuộc đời hoạt động cách mạng Đại tướng Nguyễn Quyết trải qua nhiều cương vị công tác. Ông có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Dù nghỉ công tác, nhưng khi sức khỏe còn cho phép, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Đại tướng Nguyễn Quyết đã từ trần vào hồi 21 giờ 9 phút, ngày 23/12/2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân ta!
Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; hai Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng... và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng.
Tuấn Khang (tổng hợp)