Đại tướng Nguyễn Quyết - Những dấu ấn còn mãi

Đại tướng Nguyễn Quyết - Những dấu ấn còn mãi
12 giờ trướcBài gốc
Đại tướng Nguyễn Quyết.
Tuy Đại tướng Nguyễn Quyết đã đi xa, nhưng những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc vẫn sẽ còn mãi. Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần xây dựng nên “Thủ đô văn hiến và anh hùng”.
Từ mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống đến cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội
Đại tướng Nguyễn Quyết sinh năm 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên - Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Lớn lên gặp cảnh nước mất, nhà tan, với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, 15 tuổi, người thiếu niên yêu nước Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội, làm thư ký kiêm phát hành cho Báo Đuốc Tuệ - tờ báo của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ có trụ sở ở phố Quán Sứ và nhanh chóng tham gia các hoạt động của phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động.
Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và trải qua quá trình thử thách, năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí Nguyễn Quyết đã khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người đảng viên cộng sản kiên trung, sớm được Đảng giao phó nhiều trọng trách và từng bước gắn bó với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Cuối tháng 8-1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định đồng chí Nguyễn Quyết tham gia Ban Cán sự đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác vận động công nhân. Cùng với các đồng chí của mình, đồng chí Nguyễn Quyết đã xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành, tích cực làm công tác phát triển Đảng..., góp phần vào sự phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội. Đến mùa hè năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Khi trở lại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết được Thành ủy Hà Nội phân công phụ trách công tác quân sự. Vài tháng sau, đồng chí Nguyễn Quyết được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận nhiệm vụ khác. Từ đây, trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, bằng kiến thức được tích lũy và với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Nguyễn Quyết đã lãnh đạo quân và dân Hà Nội tiến hành chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Điểm cần nhấn mạnh, vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Quyết mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng, nhưng đã đảm trách một vị trí đặc biệt quan trọng ở mảnh đất “Rồng thiêng”, và cũng chính mảnh đất này đã ghi dấu đậm nét của ông.
Dấu ấn đậm nét
Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng phát động toàn dân khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở khắp các địa phương; trong đó, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, để nắm chắc thời cơ ngàn năm có một, ngày 15-8-1945, tại chùa Hà (Dịch Vọng), Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết triệu tập Hội nghị quân sự bất thường với chỉ huy các đội tự vệ để kiểm tra và thống nhất lực lượng, phân công chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Sau nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về thời cơ, tận dụng thời cơ, phương thức, lực lượng khởi nghĩa, hội nghị quyết định phải tổ chức một đợt hoạt động nhanh nhưng thật mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thăm dò thái độ của quân phát xít Nhật.
Tiếp đó, nhận thấy thái độ của quân Nhật “án binh bất động”, cố thủ trong doanh trại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị ngay trong đêm 17-8-1945 và ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Lực lượng chủ yếu là quần chúng cách mạng, có lực lượng quân sự làm nòng cốt, hỗ trợ đắc lực. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Không chờ quân Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc về. Chờ sẽ mất thời cơ.
Có thể nói, đây là một quyết định đúng đắn, đầy tự tin, chủ động, sáng tạo và rất độc đáo với một phương thức phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội thời điểm bấy giờ nhưng cũng rất táo bạo và quyết đoán bởi nó xảy ra ở một vị trí chiến lược trong khi chưa nhận được lệnh của Trung ương. Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi, không ỷ lại, mà quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một, không hai trong lịch sử. Quyết định này gắn liền với dấu ấn to lớn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết.
Sáng ngày 19-8, cả Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Theo kế hoạch đã định, hàng vạn nông dân và dân nghèo được tập hợp thành đội ngũ ở Láng, Mọc, kéo ra Ngã Tư Sở, tiến lên chiếm Đại lý Hoàn Long trước khi vào nội thành. Sau đó, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy của quần chúng, có các đơn vị tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chia thành hai khối lớn chiếm các vị trí theo kế hoạch đã định. Một khối quần chúng chiếm phủ Khâm sai, đã giành được thắng lợi mau lẹ; một khối chiếm trại bảo an, lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm các vị trí quan trọng. Chúng ta thực hiện đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và trước áp lực của quần chúng, đến 5h chiều 19-8, quân Nhật buộc phải rút lui khỏi Hà Nội.
Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Nói cách khác, nhờ chọn đúng thời cơ khởi nghĩa, ngày 19-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội và chỉ trong vòng 15 ngày, Tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thành công trên phạm vi cả nước. Đánh giá về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội, đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Thành ủy Hà Nội đã nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, của Bác, đã biết vận dụng một cách sáng tạo tình hình cụ thể lúc bấy giờ để giành chính quyền”.
Đối với đồng chí Nguyễn Quyết, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng với sự nhạy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời”.
"Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung"
Từ năm 1946 đến năm 1950, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, ông đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh như: Đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của ông và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.
Năm 1955, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có sự điều chỉnh biên chế tổ chức và lực lượng cho phù hợp với tình hình mới. Liên khu 3 giải thể để thành lập Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, đồng chí Nguyễn Quyết được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Quyết, Quân khu đã xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố an ninh, quốc phòng. Đồng chí Nguyễn Quyết đã phát động phong trào “Làm giàu, đánh thắng”, góp phần cải thiện đời sống bộ đội và nhân dân địa phương. Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Quyết đã chỉ đạo Quân khu Tả Ngạn chi viện lớn cho chiến trường miền Nam, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đảm bảo tuyến hậu cần thông suốt.
Đồng chí Nguyễn Quyết đã tham gia lãnh đạo các chiến dịch phòng thủ quan trọng, đặc biệt là đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (21-7-1973), tạo tiền quan trọng để hơn hai năm sau đó làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cương vị mới: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Nguyễn Quyết đã đi nắm tình hình các đơn vị biên giới, hải đảo ở trong nước và các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia. Ông đã có tham mưu thực hiện điều chỉnh chuyển trạng thái từ thời chiến sang thời bình, bố trí lại lực lượng và thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, chấn chỉnh tổ chức biên chế, giảm mạnh quân thường trực và dân quân tự vệ. Coi trọng huấn luyện và tổ chức quản lý lực lượng dự bị động viên, gắn với củng cố và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ. Rút hết Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia về nước. Tập trung huấn luyện và rèn luyện bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đặc biệt, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã góp phần xây dựng quân đội mạnh về chính trị, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng trước sự chống phá của kẻ thù.
Đánh giá về Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: “Đại tướng Nguyễn Quyết hội tụ đầy đủ nhân cách Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung của một vị tướng tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó”.
Với những thành tích, cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; 2 Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trao tặng.
Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, những cống hiến và dấu ấn sâu đậm của Đại tướng với mảnh đất Thủ đô vẫn sẽ còn mãi.
Đặc biệt, những kinh nghiệm của ông trong lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội, như: Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn Hà Nội là những bài học vô cùng quý giá, cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dai-tuong-nguyen-quyet-nhung-dau-an-con-mai-688506.html