Chiều 15-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tại phiên thảo luận, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trong đó, riêng Bộ Quốc phòng có 1.067 người, với 6 lượt triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2, 3. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ của Việt Nam hiện nay cao hơn so với nhiều nước tham gia lực lượng này.
Theo Đại tướng, Việt Nam hiện đang tham gia gìn giữ hòa bình dưới hai hình thức: Đơn vị và cá nhân.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Với hình thức đơn vị, chúng ta đã triển khai đội công binh, có nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình tại địa bàn được giao. Bệnh viện dã chiến cấp 2 có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, phòng chống dịch và hỗ trợ y tế cho người dân địa phương.
“Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã trực tiếp tham gia nhiều ca cấp cứu cho người dân sở tại. Ấn tượng nhất là dù điều kiện vật chất, trang thiết bị y tế còn rất khó khăn, nhưng anh em đã cấp cứu thành công hai ca sản phụ. Tưởng rằng không thể qua khỏi, nhưng cuối cùng đều thành công”- Đại tướng chia sẻ.
Với hình thức cá nhân, các sĩ quan của ta khi tham gia nhiệm vụ cũng đã khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, các đơn vị được triển khai từ năm 2018 đến nay đều thực hiện xuất sắc vai trò của mình.
Tướng Cương nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ từ các nước trên thế giới cả về vật chất, phương tiện kỹ thuật lẫn kinh nghiệm đào tạo.
Trung tướng Mohan Subramanian -Tư lệnh Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan gắn Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cho cán bộ, nhân viên BVDC2.6 của Việt Nam. Ảnh: SỸ CÔNG.
Tuy nhiên, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình cũng gặp không ít khó khăn, như tình hình an ninh phức tạp, xung đột vũ trang, vấn đề sắc tộc, tôn giáo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đời sống người dân sở tại còn rất thiếu thốn.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho lĩnh vực này chưa hoàn chỉnh. Hiện mới chỉ có nghị quyết của Quốc hội, nên rất cần có một đạo luật riêng để làm cơ sở triển khai chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết thêm, dự thảo luật đã bổ sung thêm lực lượng dân sự để đa dạng hóa, phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia khác cũng đang triển khai lực lượng dân sự tham gia gìn giữ hòa bình.
“Dự thảo luật cũng quy định rõ nguyên tắc tham gia. Chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng ‘bốn không’, vì vậy sẽ không đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới các khu vực có chiến sự, vì Việt Nam không tham gia liên minh quân sự. Luật quán triệt rất rõ ràng, quy định cụ thể các nhiệm vụ được phép tham gia”- ông nhấn mạnh.
Về chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đưa ra chính sách “cao nhất, tốt nhất” cho lực lượng đặc biệt này.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến chế độ, chính sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Đại diện cho các ý kiến này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho hay đây là lực lượng đặc thù, tham gia nhiệm vụ ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, gian khổ, nguy hiểm và phải xa gia đình nhiều năm.
Do đó, bên cạnh chính sách dành cho người trực tiếp tham gia, cần có thêm chính sách gián tiếp hỗ trợ thân nhân của họ, như về nhà ở, bảo hiểm, học hành cho con cái, vị trí việc làm…
“Hậu phương có vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm công tác”, đại biểu Bình nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN