Toàn bộ diện tích đất của KCN Phú Xuân trước đây do hai nông trường cao su Phú Xuân và Cuôr Đăng thuộc Công ty CP Cao su Đắk Lắk quản lý, phần lớn là cây cao su lâu năm. Trong số này, khoảng 19,7% là cao su trồng từ năm 1998 đã già cỗi, còn lại là các lứa trồng 1–3 năm. Địa hình khu đất tương đối bằng phẳng, không phải đất trồng lúa, thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để dự án được phê duyệt với tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất.
Với tổng diện tích hơn 313 ha phần lớn là đất trồng cao su, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp vùng Tây Nguyên.
Ngày 31/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1708/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án. Tiếp đó, vào tháng 3/2025, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng nhà đầu tư tổ chức lễ động thổ chính thức. Hiện tại, DPV Đắk Lắk đang tập trung hoàn thiện thủ tục môi trường, trong đó có báo cáo ĐTM trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 829 tỷ đồng và được phân loại là dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công 2024. Đây là dự án đầu tư mới, không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quy mô sử dụng đất là 313,03 ha, trong tổng quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp 338,43 ha, còn lại dành cho giao thông đối ngoại và vành đai cách ly.
Theo kế hoạch, dự án sẽ trải qua các giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ quý I/2024 đến quý III/2025, công tác bồi thường và giao đất hoàn tất trong quý I/2028. Giai đoạn xây dựng cơ bản kéo dài 48 tháng, dự kiến hoàn thành vào quý I/2030 và đưa vào khai thác từ quý II/2030. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp có thể tạo việc làm cho khoảng 16.453 lao động.
Ngày 10/3/2025, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty CP DPV Đắk Lắk tổ chức lễ động thổ, đánh dấu bước khởi đầu chính thức cho hành trình hiện thực hóa khu công nghiệp này.
Cơ cấu sử dụng đất của KCN Phú Xuân được thiết kế theo hướng hài hòa giữa sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, dịch vụ và giao thông. Trong tổng thể diện tích trên, đất xây dựng nhà máy và kho tàng công nghiệp chiếm diện tích lớn nhất, khoảng 181,90 ha, tương đương 53,75%, nằm trong giới hạn cho phép từ 55–60% theo nhiệm vụ quy hoạch. Đây là quỹ đất chính, phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến, và kho vận.
Tiếp đến là quỹ đất dành cho khu điều hành, văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ, với tổng diện tích 31,23 ha, chiếm 9,23%, phù hợp với khung tỷ lệ từ 5–15%. Khu vực này đóng vai trò là trung tâm hành chính, điều hành sản xuất, cung cấp các dịch vụ hậu cần và tiện ích cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đất dành cho các công trình đầu mối kỹ thuật như trạm điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường được bố trí với diện tích 5,68 ha, chiếm 1,68%, bảo đảm tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại.
Đất xây dựng nhà máy và kho tàng chiếm phần lớn – 181,9 ha, tương đương 53,75% tổng diện tích.
Một điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch là việc chú trọng quỹ đất cho cây xanh và mặt nước, chiếm tới 68,14 ha (tương đương 20,13%), nằm trong giới hạn 10–20% theo quy định. Trong đó, đất cây xanh chiếm 63,89 ha (18,88%), được chia thành nhiều loại: cây xanh công viên (2,44 ha), cây xanh thể dục thể thao (6,84 ha) và cây xanh cách ly (54,61 ha). Riêng cây xanh cách ly còn bao gồm phần diện tích trong hành lang an toàn đường điện 500kV (5,44 ha), giúp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và đảm bảo an toàn vận hành. Đất mặt nước (hồ điều tiết) chiếm 4,25 ha (1,26%), góp phần điều hòa vi khí hậu và phòng chống ngập úng.
Phần còn lại là đất giao thông, với tổng diện tích 51,48 ha (chiếm 15,21%), trong đó đất giao thông đối ngoại khoảng 19,96 ha (5,90%) gồm tuyến tránh Buôn Hồ (13,52 ha), tuyến đường liên xã (1,67 ha), và nút giao thông giữa Quốc lộ 14 và tuyến tránh (4,77 ha). Đất giao thông nội bộ chiếm 31,52 ha (9,31%), được bố trí hợp lý để bảo đảm lưu thông thuận tiện và an toàn trong nội bộ khu công nghiệp.
Công ty CP DPV Đắk Lắk thành lập từ năm 2017 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó 98% thuộc sở hữu của Công ty mẹ – CTCP Phát triển Bất động sản DPV (DPV). Đáng chú ý, DPV là cái tên không xa lạ trong giới tài chính khi gắn liền với nhiều cựu lãnh đạo ngân hàng lớn như ông Kiều Hữu Dũng – từng là Chủ tịch HĐQT Sacombank, ACBS; ông Đặng Anh Mai – nguyên Phó Chủ tịch Eximbank.
DPV từng có thời điểm tăng vốn điều lệ lên hơn 3.100 tỷ đồng trước khi giảm về mức 268,5 tỷ đồng hiện nay. Với thế mạnh tài chính và kinh nghiệm đầu tư bất động sản, DPV Đắk Lắk kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá tại thị trường công nghiệp Tây Nguyên.
Đình Khương