Một quả đồi bị cưa hạ không thương tiếc, do vấn nạn xâm lấn rừng của người dân di cư tự do tại huyện M’Drắk.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diện tích rừng bị phá, lấn chiếm ngày càng tăng, phức tạp. Tình trạng người dân chặt phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp, làm nhà ở, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại các huyện: Ea H’leo, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông, Ea Kar...
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 127.785ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn, chiếm; đối tượng sử dụng đất chủ yếu là người dân di cư tự do thiếu đất sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; việc thu hồi diện tích đất này gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Đắk Lắk đặt ra lộ trình đến quý IV/2025, tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cưỡng chế thu hồi 30% diện tích đất bị lấn, chiếm; từ quý I/2026 đến quý II/2026, thu hồi tiếp 30% diện tích; từ quý III/2026 đến quý IV/2026, thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao các huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn quản lý một cách phù hợp, sát với thực tế, đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các chủ rừng, chủ dự án nông lâm nghiệp tiến hành kiểm tra tại thực địa, xác định đối tượng lấn chiếm trái phép, diện tích đất bị lấn chiếm, thời điểm lấn chiếm, hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc đất đai.
Các tổ công tác cần tập trung vào diện tích đất bị lấn, chiếm có nguồn gốc là đất lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao cho cộng đồng dân cư, UBND cấp xã quản lý nhưng quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát để người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng; đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật đối với diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê tại các dự án nông lâm nghiệp, công ty lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia.
Đối với những trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm thì thông báo công khai về địa điểm, tài sản trên đất bị lấn, chiếm; sau thời hạn 30 ngày, nếu không có tổ chức, cá nhân đến nhận là chủ thể vi phạm thì lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp nếu có chủ thể vi phạm đến nhận thì thực hiện xử lý như trường hợp đã xác định đối tượng vi phạm.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm nhằm tăng cường, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai; lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, đất lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, lâm nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, đưa đất vào quản lý, sử dụng hiệu quả.
Ngọc Giang