Đắk Lắk hướng đến phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng

Đắk Lắk hướng đến phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng
4 giờ trướcBài gốc
Chúng tôi đến huyện Krông Pắc (địa phương có diện tích trồng sầu riêng dẫn đầu tỉnh Đắk Lắk) vào thời điểm chính vụ thu hoạch sầu riêng năm 2024 và cũng đúng dịp diễn ra Lễ hội “Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II-năm 2024”. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm cơ hội hiểu rõ hơn giá trị kinh tế của cây sầu riêng trên vùng đất đỏ bazan này.
Tại xã Hòa Đông, chúng tôi được ông Đỗ Văn Thưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa đến thăm mô hình sản xuất sầu riêng của gia đình ông Phạm Văn Dần, ở thôn Hòa Thành. Hộ ông Dần trồng 1,5ha sầu riêng xen trong vườn cà phê.
Thời điểm đầu, cây sầu riêng chỉ là cây trồng phụ, nhưng khi cà phê già cỗi, sầu riêng khép tán, thay thế dần cà phê trở thành cây trồng cho thu nhập chính của gia đình ông cũng như hơn 2.000 hộ nông dân trong toàn xã Hòa Đông. Ông Dần cho biết, gia đình đang trồng giống sầu riêng DONA. Đây là giống sầu riêng có giá trị kinh tế cao.
Niên vụ 2023, năng suất vườn cây đạt 25 tấn/ha. Niên vụ 2024 này cũng đạt 25 tấn/ha. Sầu riêng thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Đông thông tin thêm: “Toàn xã có hơn 2.900 hộ thì có tới hơn 70% hộ trồng sầu riêng. Sầu riêng trở thành cây trồng chính với diện tích 4.000ha, trong đó hơn 1.500ha kinh doanh. Nếu mở rộng hết quỹ đất, diện tích sầu riêng của Hòa Đông sẽ đạt 4.190ha”.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Phạm Văn Dần, thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc cho năng suất 25 tấn/ha.
Krông Pắc còn là địa phương tiên phong trong đăng ký nhãn hiệu tập thể sầu riêng với tên gọi “Sầu riêng Krông Pắc”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắc nhắc lại hành trình cây sầu riêng được trồng trên đất Krông Pắc, đó là vào thời điểm năm 2004, khi Công ty Cà phê Phước An đứng chân trên địa bàn huyện thí điểm trồng xen sầu riêng trong rẫy cà phê. Từ đó, cây sầu riêng phát triển dần ra các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông.
Những năm gần đây, nông dân các xã Hòa An, Tân Tiến, Ea Kuăng cũng đầu tư trồng sầu riêng, thay thế vườn cà phê, hồ tiêu già cỗi có hiệu quả kinh tế thấp. Tính đến niên vụ 2024, toàn huyện Krông Pắc có 7.200ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000ha kinh doanh; diện tích sầu riêng giống DONA chiếm 90%, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha; sản lượng sầu riêng toàn huyện niên vụ 2023 đạt hơn 70.000 tấn, niên vụ 2024 này dự kiến hơn 80.000 tấn.
Bình quân mỗi năm, doanh thu từ sầu riêng toàn huyện đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Huyện Krông Pắc cũng đang tính đến việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Sầu riêng Krông Pắc” để mở rộng diện tích sầu riêng chất lượng cao.
Về bức tranh chung sản xuất sầu riêng toàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến niên vụ 2024, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 38.800ha sầu riêng, tăng 4.510ha so với năm 2023. Hiện tỉnh Đắk Lắk quy hoạch vùng chuyên canh sầu riêng có tổng diện tích 5.400ha tại các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk , Ea H’leo, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.
Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, mở rộng sản xuất theo hướng bền vững. Trước hết, ngành nông nghiệp Đắk Lắk quan tâm xây dựng cơ sở đóng gói và đăng ký mã số phục vụ xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 2.521ha. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã cấp tổng cộng 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292ha.
Về sơ chế, chế biến, toàn tỉnh có 251 cơ sở thu mua, trong đó tập trung tại huyện Krông Pắc 101 cơ sở, Cư M’gar 64 cơ sở, Krông Búk 11 cơ sở, thị xã Buôn Hồ 10 cơ sở. Đặc biệt, Đắk Lắk hiện có hai huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’gar”. Hiện hai huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’Leo.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch sầu riêng niên vụ 2024.
Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng sầu riêng hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường.
Ngành hàng sầu riêng còn thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; nhiều vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân trồng sầu riêng trên những vùng đất chưa phù hợp, thiếu nước tưới.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số hợp tác xã, tổ hợp tác trong quản lý mã số vùng trồng, ngăn chặn tranh mua, tranh bán; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm nguyên tắc 4 đúng và chỉ thu hoạch sầu riêng khi bảo đảm độ chín; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra về pháp lý thương nhân, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng, ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu, thực hiện phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dak-lak-huong-den-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-sau-rieng-811196