Đắk Lắk: Kiến nghị hạn chế đầu tư công trình cấp nước quy mô nhỏ, lẻ

Đắk Lắk: Kiến nghị hạn chế đầu tư công trình cấp nước quy mô nhỏ, lẻ
2 giờ trướcBài gốc
CTCN Buôn Cuăh xã Ea Na đã hư hỏng và ngừng hoạt động.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, từ năm 2003 đến nay trên địa bàn huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk được đầu tư 23 công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí gần 58 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 4 công trình được đánh giá hoạt động hiệu quả, số còn lại đã xuống cấp, hư hỏng và ngừng hoạt động.
Tại xã Dray Sáp có 6 công trình cấp nước (CTCN) tập trung gồm: CTCN Buôn Buôn Tuôr A, CTCN Buôn Tuôr B, CTCN Buôn Tuôr B1, CTCN Buôn Tuôr B2, CTCN Buôn Kuốp, CTCN Buôn Ka La. Các công trình này do UBND xã và Phòng Dân tộc làm chủ đầu tư (xây dựng vào năm 2003, 2014,2013, 2016 với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng).
Tại xã Ea Na cũng được đầu tư 6 CTCN tập trung gồm: CTCN Buôn Drai, CTCN Buôn Cuăh, CTCN Buôn thôn Ea Tung, CTCN Buôn Ea Na, CTCN thôn Quỳnh Ngọc, CTCN Buôn Tơ lơ. Các công trình này cũng do UBND xã và Phòng Dân tộc làm chủ đầu tư (xây dựng vào năm 2004, 2007 và 2016 với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng).
Số CTCN còn lại được đầu tư xây dựng trên địa bàn Buôn Cuễ, Buôn K62 (xã Băng Adênh) và thôn 6 xã Hòa Bình, Buôn KMăl (xã Dur Kmăl) và Buôn Knul, Buôn Mb Lớt (xã Ea Bông). Tất cả các công trình nói trên đều do UBND xã quản lý và vận hành. Tuy nhiên hiện nay các công trình đều đã xuống cấp, hư hỏng, khả năng cấp nước không thường xuyên. Đáng nói nhiều công trình có công suất thiết kế nhỏ không thể sửa chữa, đang được đề nghị thanh lý.
Ông Nguyễn Khánh Trung, phụ trách Giao thông, thủy lợi Nông lâm nghiệp xã Ea Na, (huyện Krông Ana) cho biết: Các CTCN trên địa bàn xã đều nhỏ lẻ, một công trình chỉ có 1 máy bơm, công suất chỉ có 3 đến 5 Kw, trong khi đó bơm lên bồn chứa cũng chỉ có từ 5 đến 7 khối nước thì không đủ để phục vụ cho cả buôn. Chưa kể, người quản lý vận hành phải túc trực để bơm nhiều lần trong ngày rất mất thời gian trong khi chế độ phụ cấp hay tiền duy tu bảo dưỡng không có.
Theo ông Nguyễn Khánh Trung, hiện nay các giếng nước ngầm bị ô nhiễm rất nhiều, một là hầm rút, hai là nhà vệ sinh sát nhau. "Hồi xưa, tôi làm giếng cách nhà vệ sinh 15 mét có thể sử dụng được, bây giờ giếng khoan gần nhà vệ sinh nên ô nhiễm. Nhiều nhà sử dụng nước ngửi thấy mùi. Vì thế nên bà con rất mong muốn được dùng nguồn nước sạch đã qua xử lý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình" - ông Trung nói.
CTCN tập trung của thôn Quỳnh Ngọc đầu tư gần 1,7 tỷ đồng nhưng cũng chỉ có giếng khoan và bồn chứa, không có hệ thống lọc.
Ông Cấn Ngọc Hồng, Trưởng thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, ở thôn Quỳnh Ngọc được đầu tư 1 CTCN tập trung gần 1,7 tỷ đồng; công trình do ông quản lý và vận hành. Tuy nhiên CTCN này cũng không hiệu quả. Hiện nay, chỉ có khoảng 30 hộ ở chợ Quỳnh Ngọc sử dụng, còn lại bà con sử dụng nguồn nước giếng đào, giếng khoan của gia đình, bởi họ cho rằng CTCN mà không có hệ thống lọc thì không khác gì nước giếng khoan của gia đình.
Bà H’ Duyên KSơr - Chủ tịch UBND xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết: Trong thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư các CTCN trên địa bàn xã, tuy nhiên các CTCN mới chỉ có giếng khoan, máy bơm nước và bồn chứa, chưa có hệ thống lọc để xử lý nguồn nước đảm bảo an toàn. Các CTCN này chỉ gọi là nước hợp vệ sinh chứ phải là nước sạch. Hơn nữa các CTCN này không có cấp kinh phí để duy tu bảo dưỡng; tổ quản lý không có tiền xăng xe đi lại nên việc vệ sinh bồn chứa cũng không đảm bảo. Sau khi tiếp nhận, xã cũng chỉ biết giao cho Buôn trưởng quản lý theo dõi. Việc duy tu bảo dưỡng hay sửa chữa hàng năm nếu ít thì xã lấy kinh phí thường xuyên ra hỗ trợ, còn hư hỏng nhiều xã không có kinh phí hỗ trợ.
“Điều đáng nói, trên địa bàn xã có Công ty cấp nước sạch cho cả Thành phố Buôn Ma Thuột nhưng người dân ở xã Ea Na lại không được hưởng lợi. Nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch đã qua xử lý đang là nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương. Bà con mong muốn các cấp có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế, chính sách giúp bà con xã Ea Na được hưởng lợi từ nguồn nước sạch này”, bà H’ Duyên KSơr thông tin.
Phóng viên trao đổi với bà H’ Duyên KSơr - Chủ tịch UBND xã Ea Na và cán bộ quản lý các CTCN trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết, nguyên nhân dẫn đến các CTCN sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện xuống cấp, hư hỏng nhiều và hoạt động kém hiệu quả là do: Thứ nhất đầu tư vốn ít, công trình chỉ có giếng khoan và bồn chứa, không có hệ thống lọc nên chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Thứ 2, dự án đầu tư không tính toán kinh phí chi trả công cho người quản lý, khai thác vận hành; kinh phí duy tu, bảo dưỡng khi máy móc gặp sự cố lấy kinh phí này ở đâu, ai trả không nói rõ trong dự án. Thứ 3, sau khi đầu tư các công trình giao về cho UBND xã quản lý; khi tiếp nhận xong thì UBND xã lại giao về cho thôn buôn, cộng đồng quản lý để khai thác, vận hành. Thứ 4 trong quá trình khai thác, cán bộ thôn, buôn không có chuyên môn nghiệp vụ nên khi máy bơm cháy, đường ống vỡ, hệ thống lọc bẩn… cán bộ thôn buôn không biết cách xử lý.
Trước thực trạng trên, ông Hoàng Minh Giám đề nghị UBND tỉnh, các Sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới các CTCN tập trung quy mô lớn nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời giúp các xã thực hiện hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Ông Hoàng Minh Giám cũng đề nghị cấp trên hạn chế đầu tư các công trình cấp nước quy mô nhỏ, lẻ, không phát huy được hiệu quả trong quá trình khai thác dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước.
Thanh Nga
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dak-lak-kien-nghi-han-che-dau-tu-cong-trinh-cap-nuoc-quy-mo-nho-le-10294846.html