Năm 2021, ở thôn 3, xã Ea Bung xuất hiện tranh chấp dẫn mương dẫn nước. Một số hộ đơn phương chặn con kênh vốn đã dùng chung gần 30 năm, khiến cho những hộ phía dưới bị thiếu nguồn tưới nên mất mùa. Tình trạng mâu thuẫn kéo dài, các hộ gia đình đã đưa nhau lên xã để giải quyết tranh chấp, nhưng không có kết quả và mâu thuẫn giữa các hộ càng bị khoét sâu.
Đến ngày 3/7 vừa qua, sau 2 ngày chính quyền xã mới được thành lập, các hộ dân lại tiếp tục làm đơn và đưa nhau lên xã để giải quyết tranh chấp. Sau khi lắng nghe ý kiến của 2 bên, lãnh đạo xã Ea Bung và các cán bộ phụ trách đã xuống tận nơi, làm việc cụ thể với các hộ và đưa ra phương án hòa giải. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, mọi khúc mắc được tháo gỡ, 4 hộ dân đồng thuận chia sẻ đường dẫn kênh mương và cùng nhau cải tạo để đường mương nước phát huy hiệu quả.
Có ruộng ở cuối đường mương, bà Lê Thị Liên, người dân thôn 3 chia sẻ: “Lãnh đạo xã cũng nhiệt tình, gần dân, cảm ơn lãnh đạo xã họ giúp cho mình, dàn xếp cho mình để cho mình thoải mái, bây giờ cũng bình thường rồi, mở nước bình thường rồi”.
Bà Lê Thị Liên bên ruộng lúa từng bị chết khô vì tranh chấp đường mương nước
Mâu thuẫn kéo dài suốt 4 năm được giải quyết trong vòng chưa đến 2 giờ, đó là nhờ cách làm mới – sát dân, chủ động nắm tình hình, trực tiếp xuống cơ sở để đối thoại, lắng nghe và tháo gỡ. Theo ông Đỗ Duy Toại – Chủ tịch UBND xã Ea Bung, ngay sau khi bộ máy chính quyền xã được thành lập theo mô hình hai cấp, toàn hệ thống chính trị xã đã khẩn trương xây dựng kế hoạch “100 ngày đầu vận hành”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: tiến về cơ sở, gần dân, sát dân, lấy người dân làm trung tâm.
Lãnh đạo xã Ea Bung lắng nghe nguyện vọng và tháo gỡ khúc mắc của người dân
Xã đã thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống 3 thôn có nhiều vấn đề nổi cộm về đất đai, an ninh trật tự để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ từng vụ việc cụ thể. “Ngoài việc thực hiện công việc ở trụ sở ra thì phải xuống cơ sở để lắng nghe các ý kiến phản ánh của người dân, những bức xúc mà lâu nay chưa được giải quyết thì ưu tiên giải quyết ngay. Qua 22 ngày làm việc thì xã đã làm việc với 3 thôn. Đấy là cái gần dân, sát dân để giải quyết công việc nó cấp bách, nó cụ thể xuống tận người dân thì cái này hết sức quan trọng. Chứ không như hồi xưa cứ ngồi ở phòng làm việc đợi dân đến người ta kiến nghị rồi phản ánh thì mình mới biết...”, ông Đỗ Duy Toại nhấn mạnh
Bên cạnh tinh thần mới và cách làm mới, Ea Bung còn không ít khó khăn. Trụ sở xã hiện tại vốn được thiết kế cho chưa đến 30 cán bộ, nay đã phải gánh gần 70 người làm việc, trong khi trang thiết bị phục vụ công vụ chưa được đầu tư đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách hành chính công, chia sẻ: “Thứ nhất là hệ thống thiết bị, máy móc, đường truyền và một số công tác chuyên môn hiện nay chưa đầy đủ. Thêm nữa, cán bộ trong quá trình sắp xếp chưa được đào tạo, hướng dẫn... Đường tải điện cũ không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng nhảy CP và chập cháy, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, mất thời gian cho người dân và cán bộ khi thực hiện”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Tạ Anh Tuấn (đứng thứ 2 bên trái) kiểm tra tại Trung tâm hành chính công của xã Ea Bung
Những bất cập này đã được xã phản ánh trực tiếp trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vào ngày 23/7. Sự có mặt kịp thời của lãnh đạo tỉnh không chỉ thể hiện tinh thần lắng nghe, sát cơ sở, mà càng khẳng định sự chủ động, sâu sát của chính quyền hai cấp: xã gần dân, tỉnh gần xã. Điều này đang tạo nên khí chất mới của bộ máy chính quyền, tất cả cùng hướng về người dân.
Ông Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói: “Chúng tôi đang yêu cầu Sở KHCN rà soát toàn bộ về trang thiết bị và chương trình chuyển đổi số của tỉnh để có phương án đầu tư hoặc nâng cấp. Về hạ tầng điện thì đề nghị Văn phòng UBND tỉnh làm việc với ngành điện lực để đáp ứng yêu cầu điện lưới. Nơi nào có người dân sinh sống, có hoạt động thì phải có điện lưới quốc gia và phải phủ sóng được điện thoại di động để tránh vùng lõm”.
Sau hơn 3 tuần vận hành mô hình chính quyền hai cấp tại cơ sở, người dân Ea Bung đang dần cảm nhận rõ sự chuyển động mới từ chính quyền – không chỉ là bộ máy sắp xếp lại, mà là thay đổi trong cách làm, cách tiếp cận, trong thái độ phục vụ. Mỗi vụ việc được tháo gỡ, mỗi phản ánh được lắng nghe kịp thời… chính là minh chứng rõ ràng cho tính đúng đắn của mô hình chính quyền địa phương hai cấp – khi tổ chức bộ máy tinh gọn, gần dân và vì dân hơn.
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên