Cụ thể, Sở đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm thương hiệu hàng Việt.
Đồng thời, tích cực tham gia hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” thông qua trang thông tin điện tử của Sở Công Thương cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Quá trình vận động và thực hiện đã góp phần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất.
Người dân mua sắm hàng Việt tại Siêu thị Coop Mart Buôn Ma Thuột. (Ảnh: ST)
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Đăk Lăk cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, nâng cao nhận thức về khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam; vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Cụ thể, Sở đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; phối hợp với Hội bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” theo hướng dẫn của Bộ Công Thương bằng các hình thức phù hợp, đạt hiệu quả đáng ghi nhận.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 một cách hiệu quả thông qua các hoạt động như:
Thường xuyên đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài; Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước; Hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn tỉnh được tiếp cận các chương trình chuyển đổi số trong thời đại kinh tế số thông qua các chương trình Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; Tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mục đích quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh.
Đồng thời, kết nối, làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành, các hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại toàn quốc và các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh cung cấp thông tin để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động lưu thông, vận chuyển đối với mặt hàng nông sản, rà soát các đầu mối cung ứng, phân phối hàng nông sản trên địa bàn để kết nối tiêu thụ; tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo tại một số huyện, thị xã nhằm thảo luận và trao đổi những biện pháp kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc cây vải của huyện góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông sản của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương; tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước…
Đồng thời, Sở đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng và các tỉnh, thành phố trong cả nước kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh về nhu cầu, yêu cầu chất lượng đối với từng loại nông sản của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu để doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thời gian tới, Sở Công Thương Đăk Lăk sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trong việc nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm thương hiệu hàng Việt.
Nguyệt Hồ