Đắk Lắk: Thực trạng ô nhiễm rác thải ở thị trấn Phước An

Đắk Lắk: Thực trạng ô nhiễm rác thải ở thị trấn Phước An
3 giờ trướcBài gốc
Xe chở rác của Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài.
Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe người dân
Bãi san lấp rác thải của thị trấn Phước An nằm ở tổ dân phố 17 (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc), sát khu vực nghĩa trang xã Hòa An và chỉ cách khu dân cư khoảng 200 m. Các loại rác thải, cả xác động vật chết, lâu ngày phân hủy, gặp trời mưa rỉ nước đen ngòm, ruồi nhặng bu kín. Mùi hôi thối nồng nặc xộc lên muốn ngạt thở. Khổ nhất là các hộ dân sống gần khu vực bãi rác hàng ngày phải hít thở bầu không khí bẩn.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, khối 16 thị trấn Phước An bức xúc: Bãi rác này tồn tại gần 20 năm, nếu chỉ gom rác của thị trấn thì ít nhưng đằng này họ gom rác ở các xã trên địa bàn huyện về nên quá tải. Nhà ở suốt ngày phải đóng cửa, dọn cơm ra ruồi nhặng bu kín. Vợ tôi bị bệnh nan y, hàng ngày phải hít thở mùi hôi thối. Những lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết”.
Xác động vật chết, đang phân hủy, bốc mùi hôi thối ra môi trường xung quang.
Ông Hồ Quang Chánh sống gần bãi rác nêu: “Khu vực này có hàng trăm hộ, nhà nào cũng bị ảnh hưởng hết. Mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên, theo chiều gió cách 2 km vẫn ngửi thấy mùi. Phía dưới bãi rác họ múc sâu 6-7 m để chôn lấp rác, phía trên họ chất rác cao như ngọn núi. Đáng lo ngại hơn, rác lâu ngày phân hủy, gặp mưa rỉ nước, ngấm xuống lòng đất, khiến nguồn nước giếng đào của dân đều bị ô nhiễm nặng”.
Bãi rác không chỉ gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất mà còn là ổ bệnh nguy hiểm. Mùa mưa rác ứ đọng bốc mùi hôi thối, mùa nắng thì phải hít khí độc từ việc đốt rác. “Khổ nhất là trẻ sơ sinh, hít thở phải khí bẩn sẽ ảnh hưởng đến giống nòi. Đề nghị quý cấp sớm dời bãi rác ra khỏi khu dân cư giúp bà con có môi trường sống trong sạch”, ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng thôn 4, xã Hòa An đề nghị.
Vợ chồng chị Nga không chịu được mùi hôi thối từ bãi rác nên dọn nhà đi nơi khác ở.
Chị Nguyễn Thị Nga, khối 7 thị trấn Phước An cho biết: "Nước thải từ bãi rác không chỉ làm chết cây trồng mà còn chảy xuống giếng nước ăn của gia đình. Con tôi mới 14 tháng tuổi, hàng ngày phải hít thở mùi hôi thối từ bãi rác nên cháu viêm hô hấp, tiêu chảy phải nhập viện suốt. Gia đình không chịu nổi nên phải dọn nhà đi nơi khác ở”.
Người dân bức xúc kéo nhau ra phản ánh.
Chị Hồ Thị Kiều, thôn 2 xã Hòa An cho biết, mỗi khi đến nghĩa trang thăm mộ người thân hay đưa tiễn người đã khuất về nơi an nghỉ cũng phải vội vã ra về vì không thể chịu nổi mùi hôi từ bãi rác.
Nhiều giải pháp nhưng chưa cải thiện được môi trường
Rác chất cao như ngon núi.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài cho biết, năm 2015, UBND huyện Krông Pắc giao cho đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn huyện. Khu chôn lấp rác thải này có khoảng 1,2 ha, hiện đã quá tải. Việc xử lý rác ở đây chỉ đơn thuần là chôn lấp. Mỗi ngày công ty thu gom trên 60 tấn rác thải sinh hoạt ở khu vực thị trấn, Hòa An, Ea Kênh, Ea Yông…
Năm 2019, huyện Krông Pắc hỗ trợ Công ty TNHH xây dựng Thuận Hiếu 3,5 tỷ đồng để múc, san lấp, cải tạo trộng cây xanh để chắn gió, chống mùi hôi thối.., tuy nhiên lượng rác thải ngày càng quá lớn, nhất là vào mùa thu hoạch sầu riêng, xe chở rác phải làm việc hết công suất.
Tiếp đến năm 2020, huyện đã chi 2 tỷ đồng cho Công ty TNHH Môi trường và Đô thị Đức Tài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng việc xử lý cũng chỉ bằng hình thức chôn lấp nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện.
Ông Nam cũng đề nghị cấp trên, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, trả lại môi trường sống trong sạch cho bà con nhân dân.
Cần cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải
Phóng viên trao đổi với ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết, bãi rác thải thị trấn Phước An hiện nay khoảng 200.000 m3 rác; bãi rác này đã quá tải nhiều năm, đây cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Huyện cũng đã quy hoạch 7 ha tại xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc để xử lý rác thải. Khu đất quy hoạch hiện đang là đất trồng cây lâm nghiệp nên đang xin tỉnh cho chủ trương để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó sẽ xin tỉnh cho đổ tạm rác vào đó, còn bãi rác của thị trấn Phước An sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.
Huyện đã đi khảo sát tại Nhà máy xử lý rác thải ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kom Tum để học tập. Nhà máy này hiện nay đang xử lý 60-70 tấn rác thải/ngày, hoạt động rất hiệu quả. Hiện nay, ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, giá xử lý 1 tấn rác thải khoảng 258 nghìn đồng.
Huyện đã mời các nhà đầu tư về khảo sát để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Hiện đã có doanh nghiệp đồng ý đầu tư 100 tỷ để xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Tuy nhiên cái khó nhất hiện nay là nguồn kinh phí để xử lý rác thải. Đối với huyện Kông Pắc, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ cho huyện từ 18 đến 20 tỷ đồng thì doanh nghiệp mới đầu tư nhà máy để làm.
“Thời gian qua, Nhà nước mới chi trả (mỗi năm 4-5 tỷ đồng) cho đơn vị đi thu gom, san lấp rác, chứ chưa có tiền để xử lý rác thải. Vì vậy, huyện mong Tỉnh, Trung ương quan tâm cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo điều kiện hỗ trợ chi phí xử lý rác thải cho nhà đầu tư, có như vậy thì mới xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư", ông Trần Hồng Tiến hy vọng.
Thanh Nga
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dak-lak-thuc-trang-o-nhiem-rac-thai-o-thi-tran-phuoc-an-10293578.html