Ngày 22/5, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình năm 2025.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương hai tỉnh đã giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sơ chế, sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của địa phương.
Đại diện các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa Đắk Lắk và Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên
Còn các doanh nghiệp, nhà phân phối trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khả năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa và nhu cầu hợp tác, đầu tư.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để đại diện doanh nghiệp của hai tỉnh trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc về vấn đề thị trường, sản xuất, tiêu thụ và quảng bá cho sản phẩm.
Thương hiệu cà phê rang xay Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Nguyên
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài cà phê, Đắk Lắk còn sở hữu nhiều nông sản chủ lực khác như Hồ tiêu với sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm; cao su đạt trên 36.000 tấn/năm; điều hơn 34.000 tấn/năm và đặc biệt là trái cây như bơ, sầu riêng, mít, xoài là những sản phẩm đang có nhu cầu lớn tại thị trường khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong với hơn 300.000 đàn ong và khoảng 15.000 tấn mật/năm.
Người dân huyện Krông Pắc thu hoạch sầu riêng niên vụ 2024. Ảnh: Hoàng Nguyên
Ông Nguyễn Văn Nhiệm nhấn mạnh, thông qua hội nghị các doanh nghiệp, đơn vị quảng bá hình ảnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng vùng miền của hai tỉnh.
Qua đó, tạo dựng mối quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững; góp phần thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các sản phẩm nông sản của Công ty TNHH TM Hoàn Vũ Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Nguyên
Lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk hy vọng rằng, với sự tương đồng trong định hướng phát triển, sự quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương, hoạt động kết nối giao thương lần này sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện để các sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk có mặt nhiều hơn tại thị trường Ninh Bình và các tỉnh khu vực phía Bắc. Đồng thời, mở ra cơ hội để sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình đến gần hơn với người tiêu dùng Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên.
Qua thương thảo tại hội nghị, có 9 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối hai tỉnh được ký kết. “Sở Công Thương Đắk Lắk cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc trong việc hỗ trợ kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác, phân phối hàng hóa giữa hai tỉnh” - ông Nguyễn Văn Nhiệm cho hay.
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích cây trồng khoảng 679.000ha, bao gồm rất nhiều diện tích cây trồng chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mít, xoài...trong đó, sản lượng cà phê đạt khoảng 420.000 tấn/năm, hồ tiêu 80.000 tấn/năm; Cao su đạt trên 36.000 tấn/năm; Điều hơn 34.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dẫn đầu cả nước về sản lượng mật ong với hơn 300.000 đàn ong và khoảng 15.000 tấn mật/năm.
Hoàng Nguyên