Đắk Nông: Huyện nghèo Đắk Glong tháo gỡ khó khăn về việc hỗ trợ nhà ở, đất ở

Đắk Nông: Huyện nghèo Đắk Glong tháo gỡ khó khăn về việc hỗ trợ nhà ở, đất ở
20 giờ trướcBài gốc
Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Đắk Glong có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định đời sống cho người dân, trong bối cảnh các xã của huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn và địa hình đồi dốc, chia cắt mạnh.
Là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, nhiều năm nay, Đắk Glong được ưu tiên nhiều nguồn lực để giúp người dân phát triển kinh tế-xã hội, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Trong số này, các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở đã góp phần mang lại mái ấm và động lực thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân địa phương.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho dân, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền huyện Đắk Glong cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, đồng thời có các giải pháp huy động, vận động để kịp thời hỗ trợ bà con.
Gỡ vướng cho dân về quy hoạch, thủ tục hành chính đất đai
Sau nhiều năm ở trong căn nhà tạm bợ, dột nát, năm 2024, gia đình anh K’Thắng, bon Sanar, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong được về sống trong ngôi nhà cấp 4 có diện tích hơn 50m2.
Điều đặc biệt, căn nhà được xây dựng trên mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh K’Thắng.
Huy động sự tham gia trực tiếp và góp công, góp sức của người dân là chủ trương xuyên suốt trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở của huyện Đắk Glong, nhằm đảm bảo bà con hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và có trách nhiệm hơn trong việc thoát nghèo.
Anh K’Thắng chia sẻ, trước đây hai vợ chồng chỉ có vài sào đất rẫy, nông sản làm ra chỉ đủ ăn và nuôi 3 con đi học. Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh Thắng được địa phương thông báo đủ điều kiện và được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà mới.
Tuy nhiên, nếu làm nhà trên rẫy thì điều kiện đi lại không thuận lợi. Vợ chồng anh K’Thắng xin bố mẹ một khoảnh đất tại bon Sanar để làm nhà. Kế đó, vợ chồng anh được chính quyền địa phương xã Đắk R’Măng, ngành chức năng huyện Đắk Glong hỗ trợ thực hiện các trình tự thủ tục, kinh phí để thực hiện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để xây dựng nhà theo quy định.
Cùng với số tiền Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng K’Thắng đã vay mượn thêm tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Nông để góp thêm nguồn lực làm nhà.
Từ khi có nhà mới, gia đình anh đủ điều kiện đã thoát khỏi hộ nghèo, không còn cảnh nơm nớp lo sợ khi sống trong căn nhà tạm những lúc mưa to gió lớn, hoặc giông lốc lúc chuyển mùa, anh K’Thắng chia sẻ thêm.
Theo ông Trần Minh Báu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk R’măng, ngoài gia đình anh K’Thắng, còn 10 hộ khác được hỗ trợ đất ở và 12 hộ khác được hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân xã Đắk R’măng, trước đây, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, cộng với tâm lý ngại đi làm các thủ tục, giấy tờ đất đai nên việc hỗ trợ đất ở, nhà ở theo chương trình này gặp nhiều khó khăn. Sau đó, bằng nhiều giải pháp, xã Đắk R’măng đã nỗ lực phấn đấu hỗ trợ hết cho các đối tượng theo kế hoạch.
Cụ thể, đối với các đối tượng thuộc khó khăn về nhà ở nhưng chưa có đất hoặc đất chưa đủ điều kiện để làm nhà, chính quyền địa phương vận động người thân (bố mẹ, anh em, họ hàng…) cho, tặng hoặc bán với giá thấp.
Sau đó, Ủy ban Nhân dân xã Đắk R’măng sẽ phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện Đắk Glong hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để người dân nhận được hỗ trợ về đất ở, nhà ở theo quy định.
Đại diện chính quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con.
Cách làm của xã Đắk R’măng đang được nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Đắk Glong thực hiện. Đây là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, đặc biệt là giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho người dân khó khăn.
Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn chia sẻ, giai đoạn 2021-2025, xã Quảng Sơn có 121 hộ thuộc diện được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến cuối tháng 1/2025, đã có khoảng 40 căn nhà được hoàn thiện, bàn giao cho người dân. Số nhà còn lại do vướng mắc về thủ tục đất đai nên địa phương đang tập trung để giải quyết.
“Tiền hỗ trợ để người dân làm nhà đã có, chính quyền địa phương cũng đã huy động nhân lực, vật lực để góp thêm cho bà con xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có cái khó là đa số hộ nghèo, cận nghèo có đất nhưng không đủ điều kiện tách thửa, không chuyển đổi được mục đích sử dụng do vướng quy hoạch, chưa phù hợp quy hoạch nên không đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Để giải quyết vấn đề này, xã Quảng Sơn đã lập tổ công tác trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân các thủ tục để sớm có đất ở hợp pháp. Việc hỗ trợ người dân về các nội dung liên quan tới trình tự thủ tục đất đai càng thêm thuận lợi khi có sự phối hợp, hỗ trợ từ các ngành chức năng của huyện,” ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn thông tin thêm.
Huy động sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể, địa phương
Cuối năm 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Nông (Vietcombank Đắk Nông) tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Long Hồng Trường, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại xã Quảng Hòa.
Đắk Glong huy động sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các đơn vị kết nghĩa, lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đây là xã vùng sâu vùng xa, có điều kiện đi lại cũng như hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc diện khó khăn nhất, nhì tỉnh Đắk Nông hiện này.
Ngôi nhà tình nghĩa được bàn giao cho gia đình ông Trường sau hơn 2 tháng thi công. Căn nhà được xây dựng khang trang, kiên cố với 1 phòng khách, 3 phòng ngủ, 1 phòng bếp, mái lợp tôn lạnh, nền lát gạch men với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Trong đó, Vietcombank Đắk Nông hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình góp thêm kinh phí và lực lượng quân sự địa phương hỗ trợ ngày công xây dựng.
Cũng trong năm 2024, gia đình chị H’Duyên, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Quảng Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà mới. Không chỉ được xóa nhà tạm, nhờ căn nhà này mà gia đình chị H’Duyên đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, tự tin vươn lên, phát triển kinh tế.
Chia sẻ niềm vui khi được về ở trong nhà mới, chị H’Duyên cho biết: “Là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể sở hữu một ngôi nhà kiên cố. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Quảng Sơn cùng sự giúp đỡ của bà con lối xóm, giấc mơ về một mái ấm an toàn, ấm cúng đã trở thành hiện thực. Giờ đây, tôi không còn lo cảnh mưa dột, gió lùa. Các con cũng có chỗ học tập, nghỉ ngơi tốt hơn, vợ chồng tôi an tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo.”
Ông Trường, chị H’Duyên là 2 trong số rất nhiều trường hợp tại huyện Đắk Glong được các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà trong năm 2024. Những căn nhà mới không chỉ giúp người dân có nơi ở ổn định mà còn góp phần giảm nghèo cho huyện Đắk Glong, giúp địa phương này “về đích” trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong chia sẻ, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc cộng đồng, xã hội chung tay xây nhà cho người khó khăn là việc làm thiết thực.
Đặc biệt, huyện Đắk Glong còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gặp khó khăn về nhà ở nên mỗi số tiền hỗ trợ, mỗi căn nhà được dựng lên đều có ý nghĩa to lớn và tác động tích cực đến kinh tế-xã hội, gắn kết tình đoàn kết tại địa phương.
Cũng theo ông Đoàn Văn Phương, bên cạnh sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi ý thức và trách nhiệm thoát nghèo của người dân.
Trung tâm hành chính của huyện Đắk Glong, 1 trong 22 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình xây dựng nhà, các địa phương tăng cường vận động để người dân góp công, góp tiền hoàn thiện căn nhà.
“Khi người dân trực tiếp tham gia làm nhà, họ sẽ cảm nhận rõ ý nghĩa nhân văn của chương trình và trách nhiệm của mình trong việc thoát nghèo. Đây là một trong những giải pháp giúp bà con giảm nghèo bền vững,” ông Đoàn Văn Phương nói.
Trao đổi về những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, cũng như xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu của huyện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Cùng với cả nước, Đắk Glong đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho dân trước 31/12/2025. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Đắk Glong cũng huy động sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các đơn vị kết nghĩa, lực lượng vũ trang; chính quyền các địa phương cũng huy động sự đóng góp của các đoàn thể, nhà hảo tâm, vận động người thân các gia đình thuộc diện nghèo hiến, tặng, bán rẻ đất ở, góp công, góp sức để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo.
Chúng tôi coi đây là một ưu tiên quan trọng, để vừa hoàn thành nhiệm vụ chung về xóa nhà tạm, nhà dột nát, cũng như tạo điều kiện để người dân ổn định chỗ ở, vươn lên thoát nghèo bền vững,” ông Trần Nam Thuần khẳng định.
Hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hàng trăm hộ dân
Giai đoạn 2021-2025, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đắk Glong được phê duyệt kinh phí, hỗ trợ xây dựng hơn 400 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện cũng huy động các nguồn lực, kinh phí từ sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các đơn vị kết nghĩa, các “mạnh thường quân” được hơn 100 căn.
Tính hết tháng 3/2025, huyện Đắk Glong đã và đang triển khai xây dựng, bàn giao hơn 300 căn nhà (đạt tỷ lệ hơn 60%).
Cùng với cả tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở, đất ở cho các hộ dân đủ điều kiện trước 31/12/2025.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dak-nong-huyen-ngheo-dak-glong-thao-go-kho-khan-ve-viec-ho-tro-nha-o-dat-o-post1024658.vnp