Tối 26-12, tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông do Tổ chức Giáo dục- khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận lần thứ 2.
Tỉnh Đắk Nông đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2. Ảnh: NV
Phát biểu tại lễ đón nhận, Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa, đặc trưng sinh thái bản địa của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây được định hướng là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Núi lửa Nam Kar trong quần thể công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: AX
Ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, gửi đến Đắk Nông đoạn clip chúc mừng, ghi nhận những nỗ lực của tỉnh này trong hành trình vừa qua.
Theo ông Guy Martini, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người; đồng thời là biểu tượng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để phát huy giá trị của danh hiệu, biến di sản trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững.
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: NV
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được được UNESCO công nhận lần thứ nhất hồi năm 2020.
Công viên địa chất toàn cầu này trải dài trên diện tích 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và TP Gia Nghĩa. Trong khu vực công viên địa chất này có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…
VŨ LONG