Tinh thần này toát lên từ hội nghị ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII vừa diễn ra với nhiều nội dung đáng chú ý.
Trong đó, Đắk Nông thể hiện quyết tâm chuẩn bị đẩy mạnh triển khai các dự án bauxite trên địa bàn, giữ vai trò tác động lớn đến kinh tế - xã hội, với tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm”.
Đắk Nông sở hữu khoảng 4,3 tỷ tấn quặng bauxite nguyên khai, chiếm gần 45% tổng trữ lượng của cả nước, và hầu hết được huy động vào quy hoạch khoáng sản quốc gia. Tỉnh đã quy hoạch 5 nhà máy sản xuất alumin, với tổng công suất từ 5 - 10 triệu tấn alumin/năm.
Hiện tại, ghi nhận sáu doanh nghiệp được địa phương thống nhất cho nghiên cứu khảo sát, đánh giá đề xuất và năm nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương. Đồng thời, hai doanh nghiệp đang đề xuất chủ trương khảo sát.
Được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu báo cáo Thủ tướng cho phép chỉ định thêm một tổ hợp nhà máy chế biến bauxite và khoanh định khu vực không đấu giá khoáng sản theo kiến nghị của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển các dự án tổ hợp nhà máy tuyển quặng - Alumin - nhôm
Trong số này, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty CP Tập đoàn TH, Tổng công ty Đông Bắc và Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư và đề xuất chủ trương các tổ hợp bauxite - alumin - nhôm theo quy hoạch.
Được biết, đến năm 2030 Đắk Nông quy hoạch hơn 173 nghìn ha đất – tương đương gần 28% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh - phục vụ các dự án khai thác khoáng sản bauxite.
Sau khi có chủ trương, tỉnh sẽ lắng nghe doanh nghiệp trình bày rõ ràng về nguồn vốn, kinh nghiệm trước khi quyết định chấp thuận.
Trước đó, nhằm chuẩn bị cho việc cụ thể hóa định hướng trở thành trung tâm bauxite, luyện nhôm quốc gia (nêu trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050), UBND tỉnh đã đề nghị các bộ ngành, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực này trên địa bàn.
Cụ thể, với vai trò nền tảng, tạo đột phá cho phát triển kinh tế tỉnh, khai thác bauxite và chuỗi giá trị nhôm tại Đắk Nông vẫn đối diện một số khó khăn, vướng mắc, điển hình là dự án nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân chờ đợi hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về chính sách và đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa vào sản xuất gần 10 năm qua và các dự án điện liên quan đến bauxite.
Tỉnh cho biết chưa có đủ cơ sở pháp lý để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục pháp lý liên quan các tổ hợp dự án theo quy hoạch. Điển hình là sáu dự án điện gió tổng công suất 430MW đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng đều nằm trong vùng quy hoạch bauxite.
Đồng thời, tỉnh cho biết đã cập nhật các dự án công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là khai thác bauxite, sản xuất alumin, điện phân nhôm và điện năng lượng tái tạo vào Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cuối năm qua, Đắk Nông đề xuất Trung ương cơ chế, chính sách đặc thù cũng như ưu tiên nguồn lực để xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bauxite - alumin – nhôm, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến khoáng sản bauxite nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điều khiến địa phương "lấn cấn" nhất, là vị trí đặt nhà máy chế biến alumin phù hợp hay không với vùng có khoáng sản và quy hoạch khoáng sản? Điều này, vô hình chung gây khó khăn cho tỉnh trong xử lý, thẩm định đề xuất của nhà đầu tư.
Đồng thời, Đắk Nông cũng chờ hướng dẫn để xác định quy trình lựa chọn nhà đầu tư các tổ hợp bauxite - alumin - nhôm theo quy hoạch khoáng sản. Cụ thể là cấp chủ trương đầu tư nhà máy chế biến trước, hay thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trước?
Mặt khác, theo UBND tỉnh, dù diện tích quy hoạch khoáng sản bauxite tại tỉnh Đắk Nông rất rộng, nhưng trữ lượng huy động và giá trị quặng lại không cao.
Trong khi đó, hầu hết hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 6/8 huyện, thành phố của tỉnh bị trì hoãn do chồng lấn quy hoạch bauxite và chưa có giải pháp để thực hiện thủ tục hành chính về khai thác khoáng sản liên quan theo Luật Khoáng sản năm 2010.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ mà vẫn giữ nguyên tiến độ các dự án khai thác bauxite như từ khi có Quy hoạch 167/2007/QĐ-TTg đến nay (hàng năm trung bình chỉ khai thác với diện tích khoảng 100ha), Đắk Nông phải mất hàng trăm năm mới "dùng" hết trữ lượng này, qua đó có quỹ đất “sạch” phục vụ triển khai các dự án khác trên địa bàn.
Theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng, Đắk Nông có diện tích quy hoạch khai thác và thăm khoáng sản bauxite là 121.000ha, trong đó 87.000ha quy hoạch khai thác và 34.000ha thăm dò - chiếm 18% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Như TheLEADER thông tin, việc triển khai hàng loạt dự án điện gió nằm trên vùng dự trữ, quy hoạch khoáng sản đã bị Thanh tra Chính phủ và cơ quan an ninh điều tra bóc tách, làm rõ và kiến nghị xử lý mới đây.
Tới nay, lối thoát dành cho các trường hợp “đè” trên quy hoạch titan, bauxite ở Bình Thuận hay Đăk Nông cơ bản đã sáng tỏ, với liều thuốc “lưỡng dụng quy hoạch” – tức điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện tái tạo và quy hoạch liên quan.
Trong dòng chảy đó, bên cạnh thừa nhận khuyết điểm và sẵn sàng sửa sai trong thực hiện một số dự án điện gió tại Đắk Nông, có doanh nghiệp đã “thở dài” khi nhắc tới vấn đề chồng lấn quy hoạch giữa dự án điện tái tạo với khoáng sản bauxite ở Đắk Nông.
Vị doanh nhân này chia sẻ, cũng chính vì “sở hữu” trữ lượng bauxite lớn hàng đầu cả nước, bao trùm phần lớn diện tích tự nhiên, nên Đắk Nông bao lâu nay vẫn chưa thể bứt phá về hạ tầng hay triển khai những dự án lớn mang tính động lực – do vướng quy hoạch khai thác, dự trữ khoáng sản quốc gia.
Thái Bình