Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười. Ảnh Nguyễn Lương
Dự án trên là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khởi công, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 124,13 km (đoạn qua Bình Phước dài 101,03 km, đoạn qua Đắk Nông khoảng 23,1 km). Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 10.536,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Bình Phước 1.233,5 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng; Vốn do nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được chia thành 5 dự án thành phần. Trong đó, Đắk Nông chủ trì 2 dự án thành phần là Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 4.
Đối với Dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang qua địa bàn tỉnh Đắk Nông, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chủ đầu tư báo cáo Bộ Xây dựng thống nhất tổ chức lễ khởi công trước ngày 30/4.
Đối với Dự án thành phần 4, Ban Chỉ đạo đã tập trung bàn bạc, thảo luận, tìm phương án tháo gỡ một số khó khăn liên quan.
Bản đồ một đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Tại cuộc họp, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông quyết định sẽ khởi công Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sớm hơn 1 ngày so với dự kiến (29/4/2025), tức là 28/4/2025 tỉnh sẽ chính thức khởi công.
Do thời gian không còn nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ đạo chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị liên quan chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục để sẵn sàng khởi công Dự án thành phần 2. Đối với Dự án thành phần 4, ngay từ bây giờ, vấn đề nào thuận lợi trước thì làm trước. Vấn đề nào quá khó khăn, từng bước tháo gỡ làm sau.
Mục tiêu của Dự án sẽ tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho cả hai vùng, đồng thời khai thác tiềm năng đất đai, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản, nhằm từng bước cơ cấu lại nền kinh tế của vùng Tây Nguyên.
Tự Lập