Thực hiện Tiểu dự án 3-Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và UBND các xã, thị trấn tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại địa phương, nhằm giúp lao động nông thôn trực tiếp nắm bắt thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo hợp đồng.
Năm 2024, có 6/8 xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm với 1.583 lượt người tham gia. Tại các phiên giao dịch, người lao động được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Yang Bắc là một trong những xã tiên phong trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bà Đinh Thị Bler-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-chia sẻ: Chị Đinh Thị Kiên (làng Jro Ktu Đak Yang) là người đầu tiên tham gia XKLĐ theo hợp đồng sang Ả Rập Xê Út vào năm 2019.
Sau những năm làm việc tại đây, chị tích lũy đủ tiền xây nhà, cuộc sống gia đình ổn định. Năm 2024, chị Kiên tiếp tục đăng ký và đã đi lao động tại Ả Rập Xê Út lần thứ 2.
Bà Đinh Thị Bler (bìa phải)-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Bắc đến thăm hỏi gia đình chị Đinh Thị Kiên-người tham gia XKLĐ. Ảnh: H.H
Cũng từ câu chuyện thực tế của chị Kiên mà ông Đinh Ắp quyết định cho con gái là chị Đinh Thị Dởi đăng ký đi XKLĐ theo hợp đồng.
Ông chia sẻ: “Mặc dù biết con tôi đi làm thông qua một công ty do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp phép, nhưng tôi vẫn sợ con không giao tiếp tốt, không quen với thời tiết nước bạn sẽ khó hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, sau 2 tháng sống và làm việc tại Ả Rập Xê Út, con tôi gọi điện về nhà chia sẻ rằng công việc và cuộc sống thuận lợi”.
Năm 2023-2024, huyện đã đưa 4 lao động người DTTS sang Ả Rập Xê Út làm việc trong lĩnh vực giúp việc nhà với hợp đồng có thời hạn 2 năm.
Chị Đinh Thị Dởi (thứ 2 từ trái sang) thoát nghèo sau 2 năm tham gia XKLĐ tại Ả Rập Xê Út. Ảnh: Thúy Hằng
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 36 người đi XKLĐ theo hợp đồng. Sở dĩ số người đăng ký đi XKLĐ chưa đạt như kỳ vọng một phần do trình tự, thủ tục hoàn thiện hồ sơ trước khi đi XKLĐ mất nhiều thời gian; tâm lý e ngại, chưa sẵn sàng thay đổi môi trường sống và làm việc; hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng nghề...
Ngoài ra, đối với thị trường lao động thời vụ có thời hạn 5 tháng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc, Nhật Bản mặc dù nhu cầu lớn nhưng số lượng người tham gia còn hạn chế vì người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu trình độ của nhà tuyển dụng; công tác phỏng vấn tuyển chọn còn khắt khe.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024 (tính đến ngày 31-10-2024), toàn huyện còn 607 hộ nghèo, trong đó có 416 hộ nghèo DTTS; tổng số hộ cận nghèo là 1.008 hộ, trong đó số hộ cận nghèo DTTS là 484 hộ.
Bà Trịnh Thị Thanh Hòa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ việc làm nhằm tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ, đặc biệt là tuyên truyền viên cơ sở; mở rộng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền XKLĐ tại các xã, thị trấn.
“Các cộng tác viên này sẽ là cầu nối giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ. Ngoài ra, huyện chú trọng đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao; trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản trong quá trình lao động, nhất là ý thức chấp hành pháp luật lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận.
Đồng thời, phối hợp lựa chọn, kết nối các doanh nghiệp cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện tốt mục tiêu XKLĐ”-bà Hòa cho hay.
HOÀNG HOÀI