Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển

Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển
3 giờ trướcBài gốc
Gia đình chị Rơ Lan Nhi (làng Tuêk, xã Đăk Tơ Ver) được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố. Ảnh: L.N
Theo đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, xã Đăk Tơ Ver đã hỗ trợ xây dựng 28 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ bồn chứa nước sạch cho 83 hộ và 35 con bò sinh sản cho 35 hộ dân; hỗ trợ Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp Đăk Tơ Ver xây dựng mô hình sản xuất măng khô.
Là hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, chị Rơ Lan Nhi (làng Tuêk) cho hay: “Vợ chồng tôi kết hôn đã hơn 3 năm nhưng không có điều kiện làm nhà. Năm 2022, tôi được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Có nhà ở ổn định, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để sớm vươn lên thoát nghèo”.
Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Nhà nước đầu tư 12,1 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường từ xã Đăk Tơ Ver đi xã Hà Tây và nâng cấp cầu treo làng Hde với chiều dài 60 m, mặt cầu rộng 1,5 m giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Ngoài ra, xã được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho khoảng 370 hộ dân với tổng kinh phí 3 tỷ đồng; đầu tư làm mới 2,2 km đường giao thông liên thôn, nội bộ khu dân cư, đường giao thông nội đồng, kè chống sạt lở cánh đồng Ia Yố; cải tạo, sửa chữa các điểm trường mầm non, tiểu học và THCS.
Hệ thống đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học làng Hde được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Lê Nam
Anh Ayaih (làng Hde) cho biết: Cầu treo làng Hde bắc qua suối Đak Pơ Tang để người dân đi vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, do sử dụng lâu năm nên các thanh dầm, ván mặt cầu bằng gỗ bị mục nát khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, nguy hiểm nhất là mùa mưa lũ.
“Việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp ra khu sản xuất và về nhà phải đi đường vòng xa hơn 5-7 km. Nhà nước đầu tư sửa lại cầu treo bằng sắt rất kiên cố. Chúng tôi có thể chở nông sản từ rẫy về nhà hay chở phân bón ra rẫy bằng xe máy đi trên cầu treo này rất yên tâm”-anh Ayaih vui vẻ nói.
Ông Yung-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hde-cho biết: Làng có 62 hộ dân với 321 khẩu. Trên 90% người dân trong làng có đất sản xuất bên kia suối Đak Pơ Tang. Việc sửa chữa cầu treo giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã hỗ trợ người dân xây dựng được 6 căn nhà, hỗ trợ 10 bồn chứa nước, làm đường giao thông nông thôn.
“Đến nay, 90% đường nội làng đã được bê tông hóa. Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống người dân từng bước được cải thiện, việc đi lại, giao thương hàng hóa cũng dễ dàng hơn. Hiện làng còn 17 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo”-ông Yung chia sẻ.
Tương tự, ông Đưk-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Krăh-cho biết: Làng có 89 hộ với 396 khẩu, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Làng hiện còn 14 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn, thời gian qua, các hộ nghèo, cận nghèo còn được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ cây-con giống để phát triển sản xuất, bồn chứa nước... Đây là động lực để các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Cầu treo làng Hde có chiều dài 60 m, mặt cầu rộng 1,5 m với tổng kinh phí 900 triệu đồng được hoàn thành giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Lê Nam
Trao đổi với P.V, ông Cao Phi Văn-Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver-cho biết: Toàn xã còn 135 hộ nghèo (chiếm 21%), 163 hộ cận nghèo (chiếm 25,3%). Thu nhập bình quân đầu người là 15,1 triệu đồng/năm. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, chương trình này đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
“Nhờ được sự đầu tư của Nhà nước, hầu hết các tuyến giao thông trục chính đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên và các nguồn điện khác phù hợp đạt 95%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh đạt 95%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%”-Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver thông tin thêm.
LÊ NAM
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/dak-to-ver-chuyen-minh-phat-trien-post296104.html