Giữa bát ngát màu xanh của cà phê, cao su, cây ăn quả, lúa nước và không khí lao động tích cực, khẩn trương của bà con Xơ Đăng ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum ít người nghĩ nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ từng là chiến trường ác liệt. Chỉ trong 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975 quân dân xã Đăk Ui đã đánh 289 trận loại khỏi vòng chiến đấu gần 900 tên địch, bắn rơi 6 máy bay, diệt 6 xe quân sự…
Thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui nhìn từ trên cao.
Ông A Bok, nhà ở thôn Kon Năng Treang, 75 tuổi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum bồi hồi, năm 9 tuổi ông đi đưa cơm cho cán bộ cách mạng nằm vùng rồi theo cha anh cầm súng đánh giặc. Trải qua gian khổ, mất mát, hy sinh càng thêm trân quý giá trị của hòa bình.
“Hồi đó là tất cả ai cũng lo cho chiến tranh để giải phóng đất nước cơm gạo không đủ ăn. Tháng này qua tháng khác không có muối, quần áo không đủ mặc. Bữa nay so với cách 50 năm trước khác rất nhiều mà cái khác này khác rất tốt. Bữa nay cơm gạo ăn ngon. Nào là điện thoại, xe máy có xe hơi nữa. Tương lai tôi tin rằng sẽ tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa”, ôngA Bok nói.
Ngày 20/9/1971 Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho cán bộ, nhân dân và du kích xã Đăk Ui.
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, 50 năm qua Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã lập thêm nhiều kỳ tích mới trong hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế-xã hội. Gần 7.000 người dân của xã với hơn 90% là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng đã luôn giữ vững và phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết cùng chung sức, đồng lòng xây dựng vùng căn cứ kháng chiến năm xưa ngày càng giàu đẹp.
Ông A Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đăk Ui, cho biết, nhờ tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ gần 1.400ha cây hàng năm, gần 1.000ha cây lâu năm với chủ lực là cà phê và lúa nước năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao giúp người dân có thu nhập ổn định. Cùng với đó việc tham gia quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng cũng mang lại cho người dân nguồn thu đáng kể. Năm 2022 xã Đăk Ui đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
“Cán bộ và người dân xã Đăk Ui anh hùng đang tích cực lao động sản xuất tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện đường đến 8 thôn làng trong xã và ra khu sản xuất đều đã được bê tông hóa. Cùng với cây lúa nước truyền thống, người dân đang phát triển mạnh diện tích cây cà phê, cây tiêu đồng thời mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đại gia súc. Từ định hướng của chính quyền, nhiều hợp tác xã và cá nhân đã và đang xây dựng các sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp”, ông A Nghĩa cho biết và khẳng định cuộc sống của người dân xã Đăk Ui đang thay đổi tích cực từng ngày.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, 50 năm qua Đảng bộ xã Đăk Ui luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Hiện Đảng bộ xã có 12 chi bộ trực thuộc với 287 đảng viên, trong đó hơn 76% đảng viên là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng.
Cán bộ đảng viên và người dân vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ xã Đăk Ui đang viết tiếp những trang sử vẻ vang trong thời bình.
Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, các thế hệ cán bộ đảng viên của xã Đăk Ui luôn là ngọn cờ đầu để người dân noi theo. Đăk Ui tự hào khi có 4 người con ưu tú dân tộc Xơ Đăng làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và người giữ trọng trách cao nhất là bà Y Vêng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Ông Chu Văn Hiền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Đăk Hà, cho biết, vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ Đăk Ui khi xưa và xã Đăk Ui hôm nay đang vững bước, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Xã Đăk Ui giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây gắn với phát triển du lịch nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong giai đoạn thực hiện việc sáp nhập xã rồi tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Trung ương tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ xã, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”, ông Chu Văn Hiền khẳng định.
Cánh đồng lúa nước xã Đăk Ui trong kháng chiến chống Mỹ là chiến trường ác liệt.
50 năm đã trôi qua, bom đạn chiến tranh giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng tinh thần cách mạng bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân Đăk Ui thì vẫn còn mãi.
Từ vùng đất từng chịu biết bao đau thương mất mát, hôm nay Đăk Ui đã hồi sinh mạnh mẽ, vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum. Những bước chân giải phóng năm xưa, giờ đây đã hóa thành những bước chân dựng xây, bước chân của niềm tin, hy vọng và khát vọng vươn lên. Đăk Ui đang viết tiếp những trang sử mới trong hành trình đi tới tương lai.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên