Vị trí xảy ra sạt lở tại thôn Cả, xã Ban Công (Bá Thước).
Ngày 22/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Bá Thước, UBND xã Ban Công kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở đất, đá tại núi Ma Lào, thôn Cả, xã Ban Công.
Qua công tác kiểm tra thực tế và trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính, UBND huyện Bá Thước, xác nhận của địa phương, Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin như sau:
Khoảng 3 giờ 00 ngày 26/2/2025, tại thôn Cả, xã Ban Công xảy ra sạt lở đất, đá. Trong đó, có 5 hòn đá lớn với thể tích mỗi hòn khoảng 3m trở lên; khối lượng đất đá sạt khoảng 80m làm sập đổ 1 nhà sàn, 1 công trình phụ; 2 xe máy và đồ đạc của hộ gia đình ông Bùi Văn Hanh bị hư hỏng (hộ có 4 khẩu, tại thời điểm xảy ra sự cố có 2 khẩu ở nhà), không có thiệt hại về người.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo UBND xã Ban Công, các lực lượng chức năng sơ tán các hộ gia đình trong khu vực sạt lở đất, đá đến nơi ở an toàn và đảm bảo đầy đủ các điều kiện sinh hoạt thiết yếu cho các hộ đến nơi sơ tán; tổ chức lực lượng trực gác, lắp đặt biển cảnh báo, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tổ chức xử lý toàn bộ khối lượng đá bị sạt trượt xuống lòng lề đường đảm bảo giao thông thông suốt; đồng thời tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến sự cố.
Như vậy, nội dung Báo Thanh Hóa phản ánh tình trạng sạt lở đất, đá tại xã Ban Công là đúng với thực tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, để xác định chính xác các yếu tố gây sạt lở cần phải có dự án đánh giá tổng thể và quan trắc lâu dài. Tuy nhiên, căn cứ vào hiện trạng, địa chất và tình hình thực tế, nguyên nhân gây ra sạt lở đất, đá được nhận định sơ bộ, do phía sau các hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng là khu vực đồi núi có địa hình phức tạp, các khối đá tảng nằm trên sườn núi có độ dốc lớn, một số vị trí đan xen lớp đất mỏng, qua thời gian dài, dưới sự tác động của thời tiết khắc nghiệt, thiên tai kéo dài nên các địa tầng bị đứt gãy gây ra hiện tượng sạt lở nêu trên.
Sở Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, trong số 9 hộ gia đình nằm trong khu vực xảy ra sự cố, hiện có hộ gia đình ông Bùi Văn Hanh đã được Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí di dời nhà đến nơi ở mới an toàn; 3 hộ đang ở nhờ nhà người thân, 5 hộ đang ở tạm tại điểm lẻ khu thôn Cả thuộc Trường Tiểu học Ban Công.
Để đảm bảo an toàn cho 8 hộ dân có nhà trong khu vực có nguy cơ mất an toàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bá Thước và các đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở đất đá... Chuẩn bị các điều kiện cần thiết đối với các hộ dân phải sơ tán.
Đồng thời, cập nhật bổ sung 8 hộ/33 khẩu vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ đến nơi an toàn theo quy định.
Trước đó, ngày 10/4/2024, Báo Thanh Hóa điện tử có bài: “Nỗi lo sạt lở núi Ma Lào” phản ánh: Kể từ sau vụ sạt lở kinh hoàng tại núi Ma Lào vào cuối tháng 2/2025, nỗi ám ảnh vẫn chưa nguôi ngoai trong tâm trí nhiều hộ dân thôn Cả, xã Ban Công (Bá Thước). Đến nay, người dân chưa thể trở về nơi ở cũ, bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập, khiến cuộc sống lâm vào cảnh tạm bợ kéo dài.
Phòng Bạn đọc - Tư liệu