Tổng cộng, các cơ sở đang tiếp nhận, quản lý khoảng 6.838 học viên, trong đó đa phần nghiện ma túy tổng hợp, còn lại là ma túy đá. Đáng chú ý, không ít học viên có tiền án, tiền sự và biểu hiện loạn thần, tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho công tác quản lý.
Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát cơ động thành lập 5 tổ công tác đặc biệt, mỗi tổ phụ trách một cơ sở, phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ngày cũng như đêm, các tổ luân phiên tuần tra khép kín cả trong lẫn ngoài khuôn viên, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện ra vào, thăm thân, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ ảnh hưởng đến công tác của cơ sở cai nghiện.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) nơi đang quản lý hơn 1.560 học viên. Trung tá Trần Ngọc Doanh, Trưởng cơ sở, cho biết công tác tổ chức đã được triển khai bài bản, đồng bộ từ khâu tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá tình trạng nghiện, đến điều trị cắt cơn giải độc và phục hồi sức khỏe. Ban chỉ huy cơ sở bố trí lực lượng trực gác tại các khu vực trọng yếu, thường xuyên kiểm tra phòng ở, nơi lao động, sinh hoạt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn chất cấm, vật liệu gây cháy nổ hoặc các dụng cụ có thể trở thành hung khí.
Cán bộ Công an tỉnh Bình Phước bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở cai nghiện ma túy.
Tại các khu trọng điểm như khu học viên có dấu hiệu loạn thần, khu lao động sản xuất đều có lực lượng túc trực 24/24. Các phòng ở của học viên được kiểm tra định kỳ, tránh việc cất giấu vật cấm, hung khí tự chế hay các vật liệu dễ gây cháy nổ.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) nơi chuyên tiếp nhận học viên nữ với khoảng 1.164 người, tình hình an ninh, trật tự cũng được duy trì ổn định. Trung tá Dương Thanh Tuấn, Trưởng cơ sở cho biết, học viên chấp hành nghiêm túc nội quy. Bên cạnh việc điều trị, cơ sở còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, đào tạo nghề, hướng nghiệp nhằm giúp học viên ổn định tâm lý, vững tin vào quá trình cai nghiện.
Ở các khu điều trị, không khó để bắt gặp hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an cùng nhân viên y tế trò chuyện, động viên học viên. Có những người nghiện 5 - 7 năm, nhưng nay đã bắt đầu biết cười, biết nói lời xin lỗi, cảm ơn.
Thượng tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù đây là nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, toàn lực lượng đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tiếp nhận và vận hành trơn tru các hoạt động tại các cơ sở.
Từng là nơi dễ phát sinh các tình huống mất kiểm soát, nhất là trong các đợt thăm thân, hay khi học viên lên cơn nghiện, thì nay các cơ sở cai nghiện ma túy tại Bình Phước đã chuyển mình rõ rệt. Sự chuyên nghiệp, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của lực lượng Công an là yếu tố then chốt tạo nên sự thay đổi tích cực này.
Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, việc chuyển giao công tác quản lý các cơ sở cai nghiện về Công an tỉnh Bình Phước thể hiện sự quyết tâm trong đổi mới cách thức quản lý, hướng đến hiệu quả thực chất trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống ma túy, mà còn giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Nguyễn Cảnh