Đồng chủ trì có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình; cùng các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong, Phan Tâm.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị
Dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 35 điểm cầu (1 điểm cầu Trung tâm tại Hà Nội và 34 điểm cầu địa phương).
Trình bày Chuyên đề công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật của Ngành và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện việc phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực của Ngành khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay lãnh đạo Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật của ngành đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình trình bày báo cáo tóm tắt tại Hội nghị
Và quan trọng hơn là xây dựng thể chế với tư duy kiến tạo không gian phát triển trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Ngành và tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2025 nhiều bộn bề khi đây vừa là năm cuối của nhiệm kỳ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, vừa tổng kết cho cả nhiệm kỳ, vừa phải tập trung chuẩn bị cho kế hoạch lập pháp của 5 năm tiếp theo đồng thời phải rà soát, xây dựng các quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ sở pháp lý cho bộ máy hoạt động nhưng Bộ VHTTDL đã kịp thời hoàn thiện thể chế, đưa ra những quy định pháp luật để tổ chức thực hiện, kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ VHTTDL đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 15.7.2025, Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng 44 văn bản QPPL, bao gồm 2 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng Luật; 22 dự thảo Nghị định, đề nghị xây dựng Nghị định; 18 Thông tư của Bộ trưởng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái trình bày chuyên đề
Bên cạnh đó, Bộ đang tiếp tục xây dựng các Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL.
Đây là năm đánh dấu nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác hoàn thiện thể chế của ngành. Thể hiện cụ thể bằng số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ xây dựng trong năm 2025 đạt mức cao nhất trong nhiệm kỳ Chính phủ từ năm 2021 đến nay và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cũng theo Vụ trưởng Phạm Cao Thái, liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2025/NĐ-CP ngày 28.2.2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL; Nghị định số 137/2025/NĐ-CP ngày 12.6.2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị định số 138/2025/NĐ-CP ngày 12.6.2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp.
Toàn cảnh Hội nghị
Bộ trưởng đã ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BVHTTDL quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Thông tư số 10/2025/TT-BVHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch và Phòng Văn hóa – Xã hội thuộc UBND cấp xã.
Đồng thời, Bộ trưởng đã cho xây dựng cuốn Cẩm nang về các nhiệm vụ được phân cấp, phân định cho cấp xã để gửi cho các Sở và đặc biệt là 3321 xã trên toàn quốc để hướng dẫn các nội dung, nhiệm vụ, quy trình, thủ tục thực hiện các nhiệm của chính quyền cấp xã trong lĩnh vực VHTTDL, báo chí…
Các đại biểu dự Hội nghị
Trên cở sở những kết quả đã đạt được, ông Phạm Cao Thái đề nghị thời gian tới, tổ chức bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn phải vận hành trơn chu, có hiệu quả. Để làm được điều này, các quy định phải đầy đủ, nội dung rõ ràng, không được chồng chéo, mâu thuẫn; đảm bảo sự phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ; phân định rõ giữa thẩm quyền chung với thẩm quyền riêng; giảm bớt các thủ tục hành chính.
Ông Phạm Cao Thái cũng nêu rõ, phải tháo gỡ điểm nghẽn thông qua việc rà soát, phát hiện, thay thế, sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, có sự mâu thuẫn, trái với văn bản có hiệu lực cao hơn gây khó khăn khi áp dụng; hướng dẫn những quy định chung chung, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Cùng với đó, phải thay đổi cách tiếp cận khi xây dựng văn bản mới, không tìm cách đưa vào các quy định tạo rào cản, thủ tục không cần thiết gây ra những điểm nghẽn mới.
THU SÂM - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN