Đảm bảo chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường

Đảm bảo chất lượng hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường
8 giờ trướcBài gốc
Người dân chọn rau củ quả bán tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa). Ảnh: VÕ PHÊ
Không để tăng giá đột biến
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị sở Công Thương các địa phương có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Bộ Công Thương cũng đề nghị sở Công Thương các tỉnh phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu, với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Bộ đề nghị các sở Công Thương chủ động tham mưu, triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thiệt hại sau bão lũ, đánh giá năng lực sản xuất, khả năng khôi phục sản xuất sau thiên tai để cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường; có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu…
Tại Phú Yên trong tháng 11 vừa qua, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này ước tính hơn 4.885 tỉ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính trên 3.900 tỉ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, doanh thu bán buôn hàng hóa trên 2.511 tỉ đồng, tăng 0,3%; lũy kế 11 tháng ước đạt 40.133,2 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng của năm 2024 tăng 3,66% so với bình quân 11 tháng năm 2023.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, những tháng cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn trong năm, phục vụ nhu cầu mua sắm, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đơn vị này cũng ban hành Kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, góp phần ổn định đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa và người thu nhập thấp.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Winmart (Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuy Hòa). Ảnh: KHANG ANH
Chú trọng an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ ngày 12-20 tháng Chạp, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 5-7 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Sở đã vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn triển khai các chương trình bán hàng cố định phục vụ tết với các gói sản phẩm ưu đãi, khuyến mại, nhằm kích cầu tiêu dùng và giảm áp lực chi tiêu cho người dân.
Các doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty TNHH Thương mại Vy Long (Siêu thị V’mart, TP Tuy Hòa), Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - chi nhánh Phú Yên… cũng dự trữ lượng lớn hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, trứng, dầu ăn, đường, trái cây và những mặt hàng tiêu dùng phổ biến khác, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân.
Theo bà Phạm Thị Hằng Vy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vy Long, siêu thị V’mart đã chuẩn bị lượng lớn hàng hóa thiết yếu để cung cấp trong những tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán năm nay với khoảng 89 tấn gạo, 26.000 lít dầu ăn, 125 tấn đường, gần 110 tấn bánh, mứt, 220 tấn thịt gia súc, 95 tấn thịt gia cầm, khoảng 74 tấn rau củ quả… Nguồn thực phẩm này được kiểm soát từ nguồn cung đến phân phối nên đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khi cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Ngoài các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng xăng dầu, Công ty Điện lực Phú Yên để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, điện ổn định, hỗ trợ sản xuất và sinh hoạt trong thời điểm cao điểm. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hải Triều cho biết thêm: Đơn vị cũng thành lập các đoàn kiểm tra để theo dõi sát tình hình thị trường, kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng tươi sống, chế biến sẵn…; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp này.
“Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời đến người dân về các chương trình bán hàng lưu động và cố định phục vụ tết để người dân chủ động mua sắm”, ông Nguyễn Hải Triều thông tin.
Trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán sắp đến, vấn đề an toàn thực phẩm cần được tiểu thương, người dân chú trọng. Người dân nên lựa chọn cơ sở mua bán có uy tín, lựa chọn hàng hóa có nhãn mác, thông tin sản phẩm, hạn sử dụng, có địa chỉ nhà cung cấp…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hải Triều
VÕ PHÊ
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/82/323949/dam-bao-chat-luong-hang-hoa-binh-on-gia-ca-thi-truong.html