Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) thường xuyên phối hợp với công an chính quy tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật. Ảnh: T.Tâm
Đối diện với nguy hiểm
Từ ngày 1-7-2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sơ chính thức có hiệu lực. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được thành lập và đồng loạt ra mắt trong cả nước. đến nay, lực lượng này đã thực sự trở thành “cánh tay” đắc lực hỗ trợ lực lượng công an chính quy trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, với sự nhiệt huyết trong mọi mặt công tác, lực lượng này đã tham gia nhiều hoạt động và mang lại hiệu quả trong việc giữ gìn ANTT. Đáng chú ý, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp thành viên lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bị thương hoặc tử vong trong quá trình truy bắt, khống chế tội phạm hoặc tham gia hòa giải mâu thuẫn ở cơ sở.
Việc anh Huỳnh Chí Phúc (36 tuổi, thành viên lực lượng ANTT ở cơ sở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) bị đâm tử vong trong quá trình áp giải nghi phạm vào ngày 31-3 đã khiến cho nhiều người dân thương tiếc và cảm phục.
Theo Bộ Công an, người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bị thương, tử vong khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định pháp luật.
Anh Phúc là người dày dạn kinh nghiệm và có nhiều cống hiến trong việc phối hợp giữ gìn ANTT cơ sở tại thị trấn Hiệp Phước. Vào ngày 31-3, khi nghe tin báo của người dân về việc phát hiện, bắt giữ đối tượng Ngô Tấn Việt (38 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) trộm gà tại khu phố Phước Kiểng (thị trấn Hiệp Phước), anh Phúc nhanh chóng cùng đồng đội đến phối hợp dẫn giải đối tượng về giao cho Công an thị trấn để điều tra, xử lý. Trên đường đi, Việt bất ngờ bỏ chạy và bị anh Phúc giữ lại. Lúc này, đối tượng lấy dao đâm nhiều nhát vào người anh Phúc, khiến anh tử vong. Ngay sau đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thị trấn Hiệp Phước truy bắt Việt để điều tra về hành vi giết người.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh, chính quyền huyện Nhơn Trạch và thị trấn Hiệp Phước đã đến động viên, chia buồn cùng gia đình anh Phúc; đồng thời, phối hợp với gia đình tổ chức lo hậu sự cho anh Phúc.
Cũng có những thành viên lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở chỉ vì giúp người dân hòa giải mâu thuẫn đã bị các đối tượng quá khích đâm trọng thương. Đơn cử như trường hợp ông Bùi Văn Hải (56 tuổi, thành viên lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) từng bị một đối tượng đâm trọng thương.
Cụ thể, vào ngày 8-9-2024, ông Hải nhận được tin báo của người dân nhờ đến hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn, hòa giải một vụ việc trong nội bộ nhân dân. Sau khi nhận lệnh từ cấp trên, ông Hải cùng đồng đội đến hòa giải xong sự việc và chuẩn bị ra về thì bất ngờ bị đối tượng Trần Thanh Toàn (31 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) đâm trọng thương. Ông Hải may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Đối tượng Toàn bị bắt giữ ngay sau đó để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Bảo đảm an toàn khi thực thi nhiệm vụ
Tại Hội nghị trực tuyến Quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 vào ngày 2-4-2024, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, lực lượng bảo vệ ANTT được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, đội dân phòng. Nhiệm vụ của lực lượng là: nắm tình hình ANTT; xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội và vận động, giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật…
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng ANTT cơ sở, Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 quy định, người đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật; người chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; người chưa tham gia BHXH mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu tử vong thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, mai táng phí.
Mặt khác, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở năm 2023 quy định về việc hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở như: được hưởng tiền hỗ trợ hàng tháng, đóng BHXH, BHYT, bồi dưỡng bằng tiền khi đi bồi dưỡng, huấn luyện…
Tại Đồng Nai, hiện có 928 tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở với gần 4,3 ngàn thành viên. Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ rất tốt cho công an chính quy về các mặt công tác được giao theo quy định. Các tổ công tác này đều được tổ chức tập huấn, trang bị đầy đủ trang phục, công cụ hỗ trợ theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của lực lượng chính quy tại địa bàn cơ sở. Qua quá trình hoạt động, hầu hết các tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở được đánh giá thực hiện tuân thủ mọi quy định và đảm bảo các mặt công tác hiệu quả, an toàn.
Ngày 18-6-2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND quy định về tiêu chí thành lập, số lượng thành viên tổ ANTT; mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng; trang phục, phương tiện, thiết bị đối với tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/người/tháng; tổ phó được hỗ trợ 2,7 triệu đồng/người/tháng; tổ viên 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt các hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, tổ chức tập huấn, thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ các lực lượng này. Từ đó, giúp hoạt động lực lượng ANTT ở cơ sở được đảm bảo, yên tâm công tác, góp phần giữ gìn trật tự an toàn tại địa bàn.
Tố Tâm