Người dân mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Hoa Lư. Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại thường sôi động. Xin đồng chí cho biết việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp này được chuẩn bị như thế nào?
Đồng chí (Đ/c) Ngô Minh Kim: Dự báo tình hình thị trường giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng của thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm…
Tuy nhiên, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh sẽ không có biến động bất thường. Các cửa hàng, chợ, siêu thị mở cửa xuyên các dịp lễ và mở cửa trở lại sớm sau Tết nên nhu cầu dự báo không tăng đột biến. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường.
Dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 10 % so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Với tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của Nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt dê, cá tươi, hải sản….); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem,...); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…); hàng may mặc, giày dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…), hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cũng như hạ tầng thương mại của tỉnh đã có những bước phát triển nên nguồn cung hàng hóa tương đối phong phú và dồi dào. Các chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại hầu hết phục vụ tới hết ngày 30 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại mùng 2 hoặc mùng 3 Tết. Do đó, người tiêu dùng không duy trì thói quen mua quá nhiều thực phẩm tươi sống để tích trữ, vì vậy không có tình trạng khan hiếm nguồn cung ảo, tạo điều kiện cho các hành vi đẩy giá trục lợi.
P.V: Trước nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm, Sở Công Thương đã triển khai những giải pháp nào để ổn định thị trường thưa đồng chí?
Đ/c Ngô Minh Kim: Để ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân, Sở Công thương đã triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời điểm cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.
Sở cũng đã có các giải pháp, phương án cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đảm bảo khả thi và được thực hiện tập trung, nghiêm túc, thực chất; bám sát nhu cầu tiêu dùng và thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở địa phương góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh.
Tăng cường công tác điều hành, quản lý; công tác thông tin, tuyên truyền; an toàn phòng chống cháy nổ; an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện bình ổn giá cả thị trường đảm bảo cho Nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Đồng thời, tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua để có phương án hoặc biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tốt các nhiệm vụ, hoạt động, biện pháp cân đối, bình ổn và phát triển thị trường thương mại của tỉnh, bao gồm: Các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các tỉnh, thành phố khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền của tỉnh Ninh Bình, kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết cho Nhân dân.
PV: Thưa đồng chí, theo thông lệ cuối năm sẽ diễn ra các sự kiện khuyến mại, bán hàng lưu động, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu cụm công nghiệp, năm nay chương trình được triển khai như thế nào?
Đ/c Ngô Minh Kim: Để mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2024, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng việc triển khai các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng và đối tượng gặp khó khăn với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa... tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
Các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, thường xuyên duy trì hoạt động của các chợ nhằm bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Các đơn vị trực thuộc Sở đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng khó khăn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)