Trong hành trình phát triển bền vững đất nước, nguồn vốn đầu tư được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Với tỉnh ta, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các nguồn vốn đầu tư phát triển càng có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội phát triển KT - XH bền vững.
3 chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn lực đầu tư lớn, tác động toàn diện lên mọi mặt của đời sống xã hội được triển khai linh hoạt, đồng bộ trên địa bàn tỉnh đang mang lại những chuyển biến rõ nét. Đến ngày 9.12, tổng nguồn vốn 3 chương trình đã giải ngân đạt trên 2.473 tỷ đồng. Trong đó, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã đầu tư khởi công mới 83 công trình liên xã thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo; 587 dự án, mô hình giảm nghèo, 14 dự án liên kết chuỗi giá trị. Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ 2.027 hộ làm nhà ở, gần 1.000 hộ chuyển đổi nghề, xây dựng 44 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, thực hiện 6 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; hỗ trợ phát triển 49 chuỗi sản xuất giá trị; 929 dự án đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, cải tạo 320 công trình giao thông nông thôn, 113 công trình cấp điện, 32 trường, lớp học, 29 trạm y tế xã, 355 thiết chế văn hóa, thể thao. Toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 126 thôn được công nhận thôn Nông thôn mới.
Thi công trên dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Phi Anh
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH, đến nay, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh theo quy hoạch 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp; bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công với tổng chiều dài trên 26,8 km; dự kiến đến hết năm 2024, tổng giá trị thực hiện 3 gói thầu đạt 1.493 tỷ đồng. Các dự án đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng và phê duyệt quyết toán 19/19 công trình, giải ngân các dự án đạt 100% kế hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh là trên 17.948 tỷ đồng, đã lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được bố trí vốn 52 dự án. Năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.200 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông và phát triển các vùng kinh tế trọng yếu. Tỉnh tập trung huy động và phân bổ nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau, đảm bảo sự cân đối và hiệu quả trong đầu tư. Cùng với đó, thực hiện 4 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, phê duyệt mới 8 dự án tiếp nhận nguồn vốn từ chương trình phi chính phủ (NGO) tập trung vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống cho phụ nữ và trẻ em với tổng vốn tiếp nhận từ các dự án hơn 16,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số địa phương có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư ngoài ngân sách như: Chương trình lát vỉa hè của thành phố Hà Giang đã làm được 86.232 m2 vỉa hè, Nhân dân đóng góp trên 77 tỷ đồng; lát đá vỉa hè thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) làm được 1.832 m2, Nhân dân đóng góp trên 14 tỷ đồng... Từ năm 2021 đến nay, có 107 dự án với tổng mức đầu tư trên 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên, vốn sự nghiệp.
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường nội thị thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Ảnh: BIỆN LUÂN
Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII, việc sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển, hiệu quả các dự án và tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công là chủ đề được đa số đại biểu quan tâm, thảo luận, chất vấn, cho thấy vai trò và sự tác động của các nguồn lực đầu tư đối với đời sống xã hội là rất lớn. Hàng loạt dự án chậm tiến độ được đề nghị xem xét nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, thậm chí thu hồi, chấm dứt hoạt động. Kỳ họp cũng đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề thuộc lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính ngân sách. UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến, các phiên họp với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn; tích cực thực hiện phong trào thi đua “60 ngày đêm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư và hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình MTQG năm 2024”; kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các sở ngành, các chủ đầu tư, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên, vật liệu xây dựng các dự án; huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đến hết năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 4.437 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 114 dự án từ năm 2020 trở về trước còn tồn đọng, chưa quyết toán, một số dự án đang thực hiện chậm tiến độ, đặc biệt các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, giải ngân hiệu quả các nguồn vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tiếp tục đồng hành, vào cuộc quyết liệt vì mục tiêu chung, đảm bảo cho “huyết mạch” của nền kinh tế được khơi thông và nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.
BIỆN LUÂN