Cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người. Ảnh: Tống Giáp.
Để tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi các địa phương đề nghị phối hợp thực hiện một số nội dung. Các địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết.
Các địa phương cũng cần tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết.
Về công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Việc này cần đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, chế độ; công khai, minh bạch; tránh trùng lặp, để sót đối tượng, không để trục lợi chính sách, với nguyên tắc tất cả đối tượng đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Với những người có hoàn cảnh khó khăn, tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách để quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cũng như rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2025. Trường hợp không cân đối, bố trí được, đề nghị địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH tổng hợp đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
Bộ LĐTBXH đánh giá, chế độ trợ giúp xã hội thời gian qua được triển khai thực hiện đầy đủ, thường xuyên, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2024, đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 lên mức 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng/tháng). Trong đó, một số tỉnh, thành phố quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn như Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, và 32 tỉnh mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Hiện nay, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người (chiếm 3,8% tổng dân số), với tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ đồng/năm. Chính sách trợ giúp xã hội được tổ chức thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và công khai, minh bạch. Ngoài ra, người khuyết tật và các nhóm đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cũng được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lọi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm, tạo sinh kế, thu nhập để ổn định cuộc sống.
Cho đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; khoảng 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; 91% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.
Lan Hương