Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa dịp Tết trên địa bàn huyện Tân Sơn.
Nguồn cung dồi dào
Theo báo cáo của Sở Công Thương, thị trường hàng hóa thời gian qua trên địa bàn tỉnh không có biến động bất thường. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Tuy nhiên, năm nay, Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán sát gần nhau nên sức mua của người dân cũng sẽ diễn ra nhanh, dồn dập trong thời gian ngắn. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Toàn tỉnh hiện có 425.632 hộ với dân số hơn 1,6 triệu người. Trên cơ sở tổng mức tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết. Cũng trên cơ sở phân tích tính chất thiết yếu, nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa, ngành Công Thương xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung - cầu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bao gồm 7 mặt hàng chính: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm.
Theo kế hoạch dự trữ, mặt hàng gạo tẻ gần 19.500 tấn, giá bán bình quân 19.000 đồng/kg; dầu ăn trên 1,4 triệu lít, giá bán trung bình 45.000 đồng/lít; đường kính 810 tấn, giá bán khoảng 22.000 đồng/lít; thực phẩm chế biến gần 2.200 tấn, giá bán khoảng 115.000 đồng/kg; thịt lợn 2.188 tấn, giá bán khoảng 110.000 đồng/kg.
Hiện nay, nguồn cung ứng hàng hóa, kênh phân phối phục vụ dịp Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp phân phối lớn như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn lớn và các chợ trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 4 trung tâm thương mại, 16 hệ thống siêu thị, 58 cửa hàng winmart+ và 197 chợ. Ngoài ra, các kênh bán hàng đa phương tiện như: Sàn thương mại điện tử; bán hàng qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng... của hệ thống phân phối truyền thống cũng đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân mua sắm trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Ông Ngô Duy Hiến - Phó Giám đốc Siêu thị Coopmart Việt Trì cho biết: Là một trong những đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết, Siêu thị Coop.mart dự kiến sẽ tăng 20-50% tùy từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Trong đó, ưu tiên dự trữ mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát... Về giá bán, Siêu thị duy trì giá bình ổn kết hợp với các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm... để kích cầu tiêu dùng, phục vụ khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng dồi dào, những ngày cận Tết, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa cũng bổ sung, tăng cường thêm nhân lực, kéo giãn thời gian hoạt động, không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng hay ùn ứ khách hàng mua sắm Tết. Đáng chú ý, năm nay các loại hàng hóa là hàng Việt, nhất là các mặt hàng nông sản, đặc trưng của các địa phương trong và ngoài tỉnh, sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chiếm khoảng 90% trong cơ cấu hàng hóa tại các kênh phân phối, cung ứng hàng hóa dịp Tết.
Cửa hàng Winmart+ ở khu 14, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao chuẩn bị đa dạng các mặt hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết.
Đảm bảo bình ổn thị trường
Thực tế cho thấy, nguồn cung ứng và số lượng hàng hóa dự trữ của doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào. Cùng với chủ động nguồn hàng, các đơn vị cung ứng hàng hóa tích cực tham gia chương trình bình ổn giá với tổng vốn dự trữ gần 1.200 tỷ đồng, trong đó số lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu thị trường trên 1.100 tỷ đồng. Trong thời gian tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất hoạt động trên nguyên tắc giá bán hàng phải bằng hoặc thấp hơn ít nhất từ 3-5% so với thị trường tại cùng thời điểm.
Trước dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa lớn, từ góc độ cơ quan quản lý, đồng chí Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, tạo nguồn hàng phục vụ Tết; xây dựng các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Nhân dân và tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, tại các huyện, thị xã bố trí từ 1 đến 2 điểm bán hàng bình ổn giá, riêng thành phố Việt Trì có từ 25 đến 30 điểm bán hàng bình ổn giá, tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 60 điểm. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, các mặt hàng được sắp xếp, trang trí đảm bảo văn minh thương mại; hàng hóa được niêm yết giá, bày bán trên giá kệ, sắp xếp thuận tiện cho việc mua bán và có bảng niêm yết giá bán các mặt hàng trong chương trình.
Cùng với đó, Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Phú Thọ, các tổ chức tín dụng thực hiện 7 chương trình bình ổn thị trường gắn với Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi 4,5-5%/năm theo Quyết định số 1225/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian 6 tháng.
Việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tổ chức các chuyến hàng, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa được chú trọng. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi về đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, các mặt hàng thịt lợn, xăng dầu... đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho Nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Hà Nhung