Đảm bảo quyền lợi cho người dân khi bổ sung tiền sử dụng đất

Đảm bảo quyền lợi cho người dân khi bổ sung tiền sử dụng đất
9 giờ trướcBài gốc
Nhiều dự án kéo dài việc ấn định tiền sử dụng đất do nguyên nhân từ các cơ quan nhà nước
Theo khoản 2 điều 50 Nghị định 103 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 1-8-2024 nhưng chưa xác định được giá đất, người sử dụng đất sẽ phải nộp bổ sung một khoản tương đương 5,4%/năm trên số tiền sử dụng đất phải nộp trong thời gian chờ định giá.
Quy định này dựa trên khoản 2 điều 257 Luật Đất đai 2024, vốn nhằm đảm bảo nguyên tắc không để thất thu ngân sách trong giai đoạn sử dụng đất mà chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định về chính sách tài chính đất đai và giá đất đối với các trường hợp đã có có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất... nhưng chưa quyết định giá đất trước ngày luật này có hiệu lực (ngày 1-8-2024).
TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường, cho rằng Nghị định 103 quy định mức thu “cứng” là 5,4%/năm, nhưng lại không giải thích rõ căn cứ xác định của mức thu này từ đâu, không gắn với một cơ chế điều chỉnh theo thị trường hoặc công cụ cụ thể là không hợp lý, dễ dẫn đến thiếu linh hoạt, dễ gây tranh cãi về tính hợp lý. Ngoài ra, cách tính như trên thiếu phân loại và chưa linh hoạt theo từng nhóm dự án, không phân biệt giữa các trường hợp do lỗi khách quan (do cơ quan có thẩm quyền chậm xác định giá đất hay do nhà đầu tư).
"Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng quy trình pháp lý, nhưng phải bị động chờ cơ quan chức năng thẩm định giá đất, lại bị tính tiền bổ sung, khiến chi phí đầu tư đội lên dù không do lỗi của họ. Điều này làm tăng rủi ro pháp lý và tài chính, ảnh hưởng đến khả năng dự báo của nhà đầu tư, gây áp lực lên dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang khó khăn", TS. Thuận phân tích.
Mới đây Bộ Tài chính đưa ra 3 phương án điều chỉnh. Thứ nhất, bỏ phương án thu bổ sung chờ điều chỉnh sửa đổi Luật Đất đai 2024, do đây là nội dung phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp. Thứ hai, giảm mức thu bổ sung từ 5,4% xuống 3,6% dựa trên các chỉ số kinh tế. Thứ ba, giữ nguyên 5,4% nhằm đảm bảo trách nhiệm chia sẻ giữa nhà nước và người sử dụng đất.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu, cho rằng các đề xuất trên chưa thảo đáng. Bởi luật ban hành văn bản quy định, các luật ban hành sau mà quy định nghĩa vụ tài chính nặng hơn trước đây thì không được hồi tố. Nhưng dự thảo Nghị định 103 đề xuất giảm mức thu xuống 3,6% từ ngày 1-8-2024 là ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, trong khi các luật đất đai trước đây không quy định mức thu này. Do đó ông Châu đề xuất bỏ quy định thu 3,6% đối với những dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất trước ngày 1-8-2024.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết đã nhận được phản ánh từ các hội viên về quy định trong dự thảo Nghị định 103. Nếu thông qua, quy định sẽ tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư khi thực hiện những dự án cần diện tích đất lớn, thời gian tính tiền sử dụng đất kéo dài, đi ngược lại nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của Chính phủ và đi ngược lại nguyên tắc công bằng và minh bạch trong quản lý. Các hội viên trong hội đều thống nhất kiến nghị hủy bỏ hoàn toàn quy định này.
Trà Giang
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-dan-khi-bo-sung-tien-su-dung-dat-post124271.html