Để có được kết quả trên, xã đã tập trung huy động các nguồn lực từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để thực hiện hiệu quả. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gắn với mô hình nuôi bò cái lai sind sinh sản thuộc Dự án 3 của chương trình với nguồn kinh phí thực hiện trên 1,7 tỷ đồng, qua đó đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo đó, xã đã chuyển giao 83 con bò cái giống lai sind (mỗi con bò trị giá gần 20 triệu, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 90% còn lại người dân đối ứng và xây chuồng trại, thức ăn) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ có kinh nghiệm sản xuất tại 7 khu: Lương Sơn, Khang Lèn, Đồng Giang, Mận Gạo, Đồng Thi, Đồng Khoai, Bương. Mục tiêu giúp các hộ được hỗ trợ bò có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Việc chăn nuôi thực hiện theo phương thức nuôi nhốt kết hợp chăn thả có quản lý. Các hộ cũng được hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi các loại giống, gia súc, gia cầm để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đi thăm hộ anh Đinh Ngọc Hà, ở khu Đồng Giang là hộ nghèo được hỗ trợ bò giống lai sind từ dự án. Từ khi được nhận bò giống, đến nay gia đình anh đã có thêm một bê con. Đây là niềm vui sau bao ngày chăm sóc bò giống, anh phấn khởi chia sẻ: “Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm và có những chính sách tốt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để chúng tôi có thêm nhiều động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Hộ anh Đinh Ngọc Hà, ở khu Đồng Giang được hỗ trợ bò giống lai sind từ dự án, đến nay đã có bê con.
Giống bò lai sind là giống có khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện nuôi thả trên địa bàn. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò là các loại rơm rạ, cỏ tươi, cỏ khô, thức ăn xanh và củ, quả... Ngoài ra sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tinh chế. Trong quá trình chăn nuôi người dân phải thực hiện tốt lịch tiêm phòng các loại bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, định kỳ tẩy giun sán cho bò bằng các thuốc đặc hiệu theo quy định của thú y.
Để thực hiện hiệu quả dự án, Tổ trưởng Tổ sản xuất cộng đồng là đầu mối thực hiện việc tổ chức cho các thành viên đi tham quan học tập kinh nghiệm một số trang trại trong và ngoài tỉnh để các hộ tham gia dự án trực tiếp lựa chọn bò giống, tiến hành mua bò giống, cấp cho các hộ thành viên trong tổ để thực hiện chăn nuôi theo đúng nội dung đã được phê duyệt của dự án.
Chị Hà Thị Năm - Tổ trưởng Tổ sản xuất cộng đồng xã Vinh Tiền cho biết: Thông qua việc triển khai thực hiện dự án đã giải quyết việc làm cho ít nhất 83 lao động nông thôn. Đây cũng là cầu nối cho các hộ dân thuộc diện đối tượng thụ hưởng được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; tiếp cận và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Từ đó làm thay đổi tư duy, nhận thức trong thực hiện chương trình và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ở xã Vinh Tiền đến nay đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả và phát triển sinh kế bền vững.
Anh Tú